Tin tức 24h: Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người

Google News

Theo dự kiến, mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 tại Bình Dương tương đương nhau, cao nhất gần 400 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người

Ngày 14/12, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin qua công tác rà soát tổng hợp tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động từ các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn, đến thời điểm hiện tại có 1.771 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết, trong số này có 1.676 doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết và 95 doanh nghiệp chưa có dự kiến mức thưởng Tết.

Theo đó, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 368 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 375 triệu đồng/người, cũng thuộc về doanh nghiệp FDI.

Dự kiến, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 bình quân là 8,77 triệu đồng/người; thấp nhất là 4,960 triệu đồng/người (đối với người lao động làm từ đủ 12 tháng).

Lãnh đạo Công ty giấy Chánh Dương - Bình Dương lì xì cho người lao động dịp Tết năm 2024. Ảnh tư liệu.

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho biết, đã đề nghị các cấp công đoàn, nhất là cấp cơ sở chủ động thương lượng, đề xuất người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương theo hợp đồng cho người lao động; tổ chức các hoạt động tri ân, cảm ơn người lao động trong năm nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; thưởng Tết, tặng quà, hỗ trợ tiền tàu xe, tổ chức liên hoan tất niên, bốc thăm trúng thưởng, lì xì cuối năm cho người lao động...

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, theo kế hoạch, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025 khoảng 272,4 tỷ đồng.

LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ tập trung tổ chức các hoạt động Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn. Tổ chức chương trình Tết yêu thương cho các trẻ em mồ côi do COVID-19, con em công nhân lao động khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, các doanh nghiệp chú trọng xây dựng kế hoạch chăm lo tốt dịp Tết nhằm giữ chân người lao động. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tích cực theo dõi tình hình sản xuất, việc chi trả lương, thưởng cuối năm của doanh nghiệp.

Giá chuối xanh tới 500 ngàn đồng/buồng, thương lái mua cả vườn xuất sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình, cho hay năm nay nhiều tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 nên diện tích chuối bị hư hại, trong khi đó thị trường Trung Quốc "hút hàng".

Một vườn chuối ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tùng Đinh

Vì vậy, thương lái đã đi săn tìm mua chuối với giá rất cao. Hiện, nhiều vườn bán chuối xanh với giá 500 ngàn đồng/buồng. Nhiều thương lái mua xong khóa cửa vườn, tự chăm sóc để chờ Tết xuất khẩu sang thị trường trung Quốc.

"Năm nay, nông dân trồng chuối được giá" - ông Yến cho hay.

Thương lái đặt mua chuối non giá 500 ngàn đồng/buồng. Ảnh: Tùng Đinh

Ở phía Nam, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An), cho hay giá chuối cao, nông dân có lời. Hiện nay, giá chuối được thu mua khoảng 8,5 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý thị trường Trung Quốc có tính thất thường, giá cả theo đó lên xuống biến động mạnh. Vì vậy, sản xuất và xuất khẩu đòi hỏi không "bỏ trứng vào một giỏ", không trồng ồ ạt thiếu tiêu chuẩn.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu chuối đạt 1,37 triệu tấn, trị giá 733,78 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ các thị trường Philippines, Campuchia, Thái Lan. Ngược lại, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu chuối từ Việt Nam, Lào, Mexico…

Số liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc, với lượng xuất khẩu đạt 459,94 ngàn tấn, trị giá 189,82 triệu USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 31,33% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 40,71% trong 8 tháng đầu năm 2024. Cũng trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối từ các nguồn cung Philippines, Campuchia.

Như vậy, ngành chuối Việt Nam đã thay thế vị trí nhà cung cấp số 1 của Philippines và đang chiếm lợi thế tại thị trường Trung Quốc.

Nguyên nhân được cho là thời tiết tại Philippines không thuận lợi, dẫn đến sản lượng giảm và giá cao hơn. Mặc dù chuối của Philippines vẫn được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nhờ hương vị, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí cao hơn đã tạo điều kiện cho chuối Việt Nam mở rộng thị phần.

Quảng Nam: Dùng ròng rọc vượt lũ, cứu 4 người dân mắc kẹt giữa sông

Chiều 14-12, ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, thông tin lực lượng chức năng đã sử dụng hệ thống ròng rọc và dây thừng để giải cứu thành công 4 người dân bị mắc kẹt giữa dòng sông Đăk Mi do mưa lũ.

Trước đó, chiều 13-12, 4 người dân trú tại thôn 3, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, gồm: ông Hồ Văn Thưng, Hồ Minh Hạ, Hồ Văn Ngô và Hồ Văn Kiểm trên đường đi làm nương rẫy đã băng qua ba suối Đăk Se giao với sông Đăk Mi.

Khi đến một cồn đất đá thuộc khu vực hạ nguồn lòng hồ thủy điện Đăk Mi 3, mưa lớn bất ngờ kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến họ bị chia cắt, không thể thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Vùng khoanh đỏ - nơi 4 người dân bị mắc kẹt

Sáng 14-12, nhân viên nhà máy thủy điện Đăk Mi 3 - phát hiện tình trạng trên và nhanh chóng báo cáo chính quyền địa phương. Nhận được thông tin, UBND xã Phước Chánh phối hợp cùng hàng trăm người dân địa phương triển khai công tác cứu hộ.

Lực lượng chức năng đã sử dụng dây thừng để tạo hệ thống ròng rọc, vượt qua dòng nước lũ chảy xiết, đưa cả 4 người dân về bờ an toàn. Đến 14 giờ cùng ngày, công tác cứu hộ hoàn thành.

Theo ông Hồ Văn Huy, công tác cứu hộ được hoàn thành kịp thời, không để xảy ra thương tích hay thiếu thốn nhu yếu phẩm cho các nạn nhân. Hiện sức khỏe của cả 4 người dân đều ổn định.

Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam dự báo từ ngày 14 đến 16-12, nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến từ 40-150 mm tùy khu vực, đặc biệt vùng núi phía Nam có thể ghi nhận lượng mưa trên 200 mm, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét và sạt lở.

Đốt than sưởi trong phòng ngủ, chồng tử vong, vợ nguy kịch

Theo đó, khoảng 10h sáng 13/12, hàng xóm không thấy vợ chồng ông M. V. H. (SN 1971) và bà P. T. H. (SN 1974) ra khỏi nhà nên vào gọi thì phát hiện ông H. đã tử vong trong phòng ngủ. Bà H. (vợ ông H.) đang trong tình trạng nguy kịch nên đưa vào viện cấp cứu.

Ảnh minh họa.

Tại hiện trường, người dân phát hiện một lò than sưởi trong phòng ngủ. Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên có thể do ngạt khí lò sưởi.

Theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. Có 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Qua đó, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các biện pháp sưởi ấm không đúng cách. Đối với thời tiết lạnh rét tuyệt đối không được đốt than củi để sưởi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.

Quyền lợi của người lao động đóng BHXH dưới 20 năm

BẢO BẢO

Bình luận(0)