Vợ chồng cưới nhau cả chục năm và lăn lộn làm ăn trên thành phố mới để dành mua được căn nhà nhỏ ở trong ngõ cách đây 3 năm. Vì nội ngoại đều không có điều kiện nên chúng tôi xác định tự thân vận động, mọi thứ rất vất vả.
Thậm chí chồng là con trưởng và độc đinh nhưng 2 chúng tôi cũng chấp nhận kế hoạch 7 năm mới dám sinh con. Hiện tôi đang bầu con thứ 2 được 4 tháng. Vì lấy chồng con trưởng và độc đinh nên mọi việc trong nhà cái gì cũng đến tay 2 đứa lo liệu.
Tết nhất năm nào vợ chồng cũng phải lo đứng lo ngồi. (Ảnh minh họa)
Một năm nhà tôi ở quê có cả chục cái giỗ to nhỏ khác nhau nhưng giỗ nào bố mẹ chồng cũng gọi 2 đứa bảo phải về nhà, họ già rồi nên không lo liệu được. Rằng chồng tôi phải lo liệu hết việc ấy không người ta cười cho.
Rồi còn bao nhiêu đám cưới, đám giỗ… vợ chồng đều phải thu xếp về. Không có tháng nào chúng tôi không về quê 1-2 lần, có tháng còn về mấy bận. Trong khi quê ở cách xa cả trăm cây số, đi lại biếu xén rất tốn kém. Tháng nào lương lậu của cả 2 cộng lại cũng hết nhẵn. Nhiều khi nghĩ tới tiền là muốn méo mặt.
Tết nhất năm nào vợ chồng cũng phải lo đứng lo ngồi. Nào thì khoản biếu Tết họ hàng, tiền biếu bố mẹ chồng, tiền tiêu Tết, tiền mừng tuổi… Năm nào hà tiện đến đâu cũng phải chi tiêu mất khoảng 30 triệu, có năm tiêu 50 triệu. Như Tết năm nay, dù chưa để ra được 1 khoản đi đẻ thì vợ chồng vẫn phải bỏ ra 50 triệu chi tiêu cho Tết thêm trọn vẹn.
Năm nay, do tôi bầu bí nên người mệt mỏi vì ốm nghén. Không đi làm được đều đặn lương của tôi rất ít, chỉ trông chờ vào chồng. Đã vậy mấy ngày Tết còn bị ốm nghén mệt mỏi chẳng thiết tha làm việc gì nhưng vẫn phải cùng mẹ chồng cơm nước, quanh quẩn suốt ngày trong xó bếp.
Tết về nhà chồng nhiều việc nên chẳng được nghỉ ngơi khiến tình trạng cúm của tôi càng nặng hơn. Ngoài cảm thấy rệu rã toàn thân, tôi còn chỉ sợ cúm khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai nhi. Bởi thế hết 3 ngày Tết tôi sốt ruột muốn lên Hà Nội sớm để vừa nghỉ ngơi vừa đi thăm khám bác sĩ xem có vấn đề gì không. Biết điều này, mẹ chồng bảo luôn:
“Mấy ngày Tết trôi qua nhanh thế nhỉ, chẳng mấy chốc đến ngày 2 đứa đi làm lại. Nhưng lên thành phố làm gì sớm thế, bà bầu bị cúm thì xoàng xĩnh thôi có gì phải làm quá lên để lo lắng thế đâu. Ở lại nhà thêm 1-2 hôm rồi đi, bố các con đang muốn đầu năm mới này thay cái máy giặt 30 triệu đó, xem như nào 2 đứa thay cho ông”.
Đầu năm mẹ chồng đã nhắc nhở các con phải thay máy giặt mới. (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng cứ hồn nhiên nói vậy như nhắc nhở các con phải thay máy giặt cho bố mẹ. Trong khi đó, ở nhà có 2 ông bà, quần áo chẳng có mấy việc gì phải thay máy giặt xịn. Nghe mẹ chồng nói mà tôi như người mất hồn, ám ảnh trước những khoản chi tiêu Tết ở nhà chồng.
Bà đã gợi ý thẳng thừng vậy, không mua kiểu gì cũng bị trách móc các con tiếc tiền mua đồ cho bố mẹ. Nếu mua thì nhà hết sạch tiền, không còn cả tiền dưỡng thai và tích cóp. Thật sự mệt mỏi vì Tết nhất quá…
Bệnh cúm ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Virus cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), mà khi sốt cao kết hợp với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Thai phụ bị cúm có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh (hở van tim), một số khiếm khuyết trên cơ thể. Vì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu nên rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ cũng có khả năng xảy ra.
Nguyên nhân của các bất thường này là các kháng thể cúm của mẹ có khả năng lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Kết hợp với sự gia tăng thân nhiệt của mẹ khi bị bệnh (nhiệt độ tăng kéo dài ở mức cao từ 39 độ C thì phải thận trọng) là những yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi. Ngoài ra, các thuốc trị bệnh cúm cũng tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai.
Tuy nhiên bệnh cúm có nhiều thể gây bệnh khác nhau và không phải bà bầu nào bị cúm cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Khi có dấu hiệu cúm thì nên đi khám ngay.