Bạn hiểu thế nào về từ “giáo dục”?
Nhà triết học giáo dục Karl Jaspers từng nói: “Bản chất của giáo dục là một cái cây lay động một cái cây khác, một đám mây thúc đẩy một đám mây khác, một linh hồn khơi dậy một linh hồn khác”.
Nói cách khác, cách giáo dục tốt nhất mà cha mẹ dành cho con cái không phải là thay con đưa ra mọi quyết định hoặc gánh vác những thất bại con cái phải đối mặt mà là đóng vai trò người hướng dẫn. Một nền giáo dục hiệu quả là khi cha mẹ có thể làm gương bằng hành động của mình, giúp con cái hiểu rõ mình nên làm gì và không nên làm gì trong quá trình trưởng thành. Đó mới là lựa chọn khôn ngoan nhất của người làm cha, làm mẹ.
Khi con cái cần đối mặt và rèn luyện, cha mẹ tuyệt đối không nên bao bọc; khi con cái cần trải qua thất bại và khó khăn, cha mẹ tuyệt đối không nên thay con giải quyết. Cụ thể hơn, sự khôn ngoan lớn nhất của cha mẹ là sẵn sàng làm 2 điều này cho con cái:
1. Sẵn sàng để con cái trải nghiệm khó khăn
Có những cha mẹ dành cho con cái quá nhiều tình yêu, không nỡ để con trải nghiệm những khó khăn của cuộc sống từ nhỏ, cũng không biết cách yêu cầu con đúng lúc. Vì quá yêu con và không muốn con phải lặp lại những vất vả mình đã trải qua nên họ quá bảo vệ con. Nhưng họ đã bỏ qua tầm quan trọng của việc để con trải nghiệm khó khăn trong quá trình trưởng thành.
Nhớ rằng, cha mẹ chỉ nên là người hướng dẫn con trên con đường đời. Nếu không bao giờ cho con trải nghiệm khó khăn mà luôn bao bọc con trong một cái tổ an toàn, vững chãi thì về lâu dài, điều đó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của con.
Những đứa trẻ có trải nghiệm khó khăn trong quá trình trưởng thành thường rèn luyện được khả năng giải quyết vấn đề và có tính cách kiên cường thông qua những thử thách và thất bại. Những bậc cha mẹ không muốn con trải nghiệm khó khăn rõ ràng đã bỏ qua cách giáo dục con đúng đắn. Bằng cách bao bọc quá mức, họ tạo ra những đứa con "nuôi trong nhà kính", lớn lên không thể đối mặt với khó khăn của cuộc sống.
2. Sẵn sàng khen ngợi, động viên con
Cảm giác tồn tại và giá trị của một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn phần lớn đến từ sự động viên và khen ngợi của cha mẹ. Đó còn có thể là nền tảng ấm áp nhất trong cuộc đời của chúng, giúp con có động lực để tiến xa hơn.
Nhưng rất nhiều bậc phụ huynh lại tiếc lời khen ngợi, động viên con cái, luôn quen dùng cách phê bình, phủ định để đối xử với con. Họ lo sợ nhỡ việc mình khen ngợi sẽ khiến con trở nên kiêu ngạo, không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Song họ không biết rằng, một đứa trẻ càng không nhận được sự khen ngợi và động viên của cha mẹ sẽ càng thiếu đi sự tự tin và nghị lực. Chúng thậm chí còn tự ti, nghi ngờ bản thân, cuộc sống ngày càng hẹp lại.
Nhà tâm lý học William James cho biết: "Nhu cầu mãnh liệt nhất trong bản chất con người là được công nhận".
Mỗi đứa trẻ trong quá trình trưởng thành cũng vậy. Nếu được cha mẹ khen ngợi và động viên, con sẽ tự tin hơn và có động lực để làm tốt những việc mình nên làm.
Là cha mẹ, muốn khen ngợi và động viên con cái một cách đúng đắn thì đừng nói những câu như "Con thật thông minh", "Con quá giỏi", "Con quá tuyệt vời". Bởi đằng sau những lời khen ngợi đó, ý nghĩa được truyền tải là: Con có tài năng bẩm sinh, không cần phải cố gắng.
Muốn khen ngợi và động viên con cái một cách đúng đắn, nên khen ngợi sự nỗ lực của con; khen ngợi sự kiên trì, dũng cảm của con; khen ngợi con đã làm tốt một việc nào đó; khen ngợi con có sự sáng tạo và thái độ nghiêm túc...
Đó đều là những lời khen ngợi và động viên hướng tới tư duy phát triển, giúp trẻ nhận được sự khẳng định từ cha mẹ và ngày càng làm tốt hơn, đồng thời giúp trẻ trở nên hoàn thiện.
Muốn con cái gặt hái được nhiều thành công trên con đường trưởng thành, cha mẹ hãy sẵn sàng làm hai điều trên. Đó là sự hướng dẫn đúng đắn nhất của cha mẹ, cũng là khởi đầu cho một cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc và thành công của con.