Mẹ rong ruổi lề đường bán hàng nuôi con tự kỷ, làm "sợi dây rốn" gắn bó với con cả đời

Google News

Hai năm trước, để kiếm sống, Li Hairong đã đưa con trở về quê nhà rồi mở quán ven đường. Một mình chăm sóc trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng. Để tránh cho con trai bị lạc, cô đã tự chế một sợi dây chống lạc, như “sợi dây rốn” không bao giờ đứt giữa hai mẹ con.

“Sợi dây rốn” bị cắt và nối lại

7 giờ sáng, Li Hairong quê ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bắt đầu nấu nướng cho buổi sáng sau một đêm không tròn giấc. Giống như bao bà mẹ khác, cô phải đưa con trai Hanhan đến trường trước 8 giờ, chỉ là ngôi trường này rất đặc biệt, chuyên dành cho trẻ tự kỷ. Nhìn thấy con trai nắm tay giáo viên bước vào phòng, cô mới tâm rời đi và đi đến chợ rau để mua nguyên liệu cho buổi bán hàng.

11 giờ, Li Hairong đặt một cái nồi lớn lên bếp, bắt đầu quá trình chuẩn bị cho món mì lạnh Liangpi. Công việc này kết thúc vào 4 giờ 30 chiều, cũng là lúc cô đi đón con trai về và cùng nhau ra quán.

Kể từ năm 2023, Li Hairong đã đi đi lại lại giữa quán ven đường, nhà và các cơ sở phục hồi chức năng của con như chiếc kim đồng hồ, không dám dừng lại. Cha mẹ của Li cô đều già yếu, không thể trông chừng cháu nên Li Hairong luôn không rời con trai.

Một mình chăm sóc một đứa trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng. Những ngày công việc kinh doanh thuận lợi, Li Hairong có thể bán được 15 kg mì Liangpi trong một đêm nên rất khó để có thể luôn để mắt đến Hanhan. Trẻ tự kỷ không hiểu được nguy hiểm và có thể bất chợt lao ra giữa đường. Cô chỉ có thể buộc con trai vào người mình.

Hầu hết các loại dây chống lạc trên thị trường đều dành cho trẻ em 2-3 tuổi. Hanhan đã 7 tuổi, không thể đeo được nữa. Li Hairong nghĩ ra cách, cắt hai sợi dây đai ở giữa rồi nối chúng lại với nhau như một “sợi dây rốn”, một đầu nối vào thắt lưng của cô, đầu còn lại buộc vào đứa trẻ, để khoảng cách 1,5 m cho phạm vi an toàn của Hanhan.

Đôi khi Hanhan đột nhiên dùng lực và kéo mạnh khiến thắt lưng của Li Hairong bị kéo căng đến mức bị chấn thương. Nhưng dù có đau đớn thế nào, cô cũng không bao giờ cởi dây ra.

Trở về nhà sau một ngày mệt mỏi, Li Hairong kiên nhẫn dạy con trai rửa mặt và đánh răng. Đêm đến, giấc ngủ của trẻ tự kỷ không ổn định. “Nếu đi ngủ sớm, thằng bé sẽ thức dậy lúc 1, 2 hoặc 3 giờ và không ngủ lại được nữa”, Li Hairong cho biết. Cô thường xuyên phải thức dậy giữa đêm, giờ đây uống cà phê cũng không còn tác dụng.

Bên nhau qua những ngày nắng gắt, mưa dông

Li Hairong sinh năm 1990 ở tỉnh Sơn Đông. Năm cô 16 tuổi, cha bị tai nạn ô tô, em trai cô khi đó vẫn đang học tiểu học. Li Hairong một mình đến Bắc Kinh làm việc, sau đó đến Thạch Gia Trang mở quán bán hàng rong. Sau đó, cô gặp chồng cũ ở Hà Nam và rồi sinh ra Hanhan.

Li Hairong nhớ rõ bệnh tình của Hanhan được phát hiện khi cậu bé được 3 tuổi 3 tháng. Trước khi con trai được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, tình hình tài chính của gia đình cô tương đối tốt.

Tuy nhiên, chi phí y tế của đứa trẻ rất lớn. Chỉ chưa đầy 1 năm, tiền tiết kiệm của gia đình đã cạn kiệt, cặp đôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình cũng như vay mượn.

Sau khi ly hôn vào năm 2022, hai mẹ con Li Hairong trở về quê nhà cùng món nợ: “Thành thật mà nói, lúc đó tôi không còn khả năng đưa thằng bé đi khám bác sĩ nữa vì tôi không thể chi trả được. Trước tiên, tôi phải tìm cách trang trải cuộc sống”.

May mắn thay, với sự tài trợ của Liên đoàn Người khuyết tật Tế Ninh, Hanhan đã có thể được điều trị miễn phí trong 4 năm. Dù vậy, cuộc sống của gia đình Li Hairong vẫn còn rất khó khăn. Từ khi trở về Tế Ninh, họ đã chuyển nhà 4 lần, hiện trọ trong căn phòng giá thuê chỉ 200 nhân dân tệ/tháng (700 nghìn đồng/tháng).

Năm 2024, theo lời chỉ dẫn của một người bạn, Li Hairong bắt đầu chia sẻ quầy hàng và cuộc sống của mẹ con mình trên mạng xã hội. Ngày càng có nhiều người biết đến "Xingbao Hanhan và Người Mẹ Dây Rốn" qua Internet.

Sau khi biết được câu chuyện của hai mẹ con Li Hairong, rất người từ khắp nơi trên cả nước đã đến quầy hàng nhỏ của cô ủng hộ và quyên góp tiền bạc. Hiện tại, cô đã trả hết các khoản nợ, tình trạng của Hanhan cũng dần được cải thiện. Giờ đây, cậu bé có thể tự mình mặc quần áo, đi giày và đi tất, hiểu được những từ đơn giản và diễn đạt cảm xúc của mình bằng một số từ ngắn.

Li Hairong hy vọng rằng, xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn đến các gia đình có con mắc chứng tự kỷ. "Tôi mong sau này khi đưa con đi chơi, mọi người sẽ quan tâm và thấu hiểu hơn, không còn nhìn chúng tôi với ánh mắt dè chừng hay phân biệt đối xử nữa", Li Hairong nói.

BẢO BẢO

Bình luận(0)