Khi bạn đem những chuyện riêng tư nói cho người không nên nói, đó là hành vi thiếu tế nhị và không khéo léo. Người có trí thông minh cảm xúc cao không phải là làm việc gì cũng vẹn toàn hay giao tiếp khéo léo với tất cả mọi người mà là biết khi nào nên im lặng và giữ mình. Đó không chỉ là sự thông minh, mà còn là trí tuệ sống.
Không ít người khi gặp được người nói chuyện hợp ý sẽ nói càng lúc càng nhiều hơn, đem hết chuyện riêng tư trong lòng kể cho đối phương nghe. Họ nghĩ rằng đó là sự tin tưởng nhưng chẳng ngờ lại mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho bản thân.
Dù ở trong hoàn cảnh nào, bạn cũng nên kiểm soát ham muốn nói chuyện của mình, thực sự thể hiện bản thân một cách phù hợp. Đó là khởi đầu cho quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc của bạn.
Nhớ rằng, những người thực sự thông minh sẽ giữ kín 3 điều riêng tư này, còn kẻ dại gặp ai cũng nói.

1. Đừng vội tiết lộ những việc chưa có kết quả rõ ràng của bản thân
Sống ở đời, làm việc gì cũng nên suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Đó không chỉ là sự tự giác, một hình thức rèn luyện bản thân mà còn là biểu hiện của sự thông minh. Trong đó, điển hình nhất là việc chưa có kết quả rõ ràng thì đừng vội vàng tiết lộ. Giữ vững sự bình tĩnh và ổn định, đó mới là lựa chọn sáng suốt nhất.
Một số người hay nhanh nhảu, trong lòng không thể giữ được chuyện gì. Ngay khi có kế hoạch, thậm chí là ý tưởng cho việc gì, họ đã vội kể cho người khác, gặp ai cũng nói, thậm chí còn hứa hẹn chắc chắn với người khác là không có vấn đề gì.
Nhưng đời người khó lường, kết quả thường trái ngược với mong muốn. Sự nhanh nhảu lúc này không chỉ khiến bản thân mất mặt mà còn có thể khiến bạn trở thành người không đáng tin cậy.
Bất kể là chuyện gia đình, con cái, cuộc sống hay kế hoạch cá nhân, bạn đều không cần phải khoe khoang khắp nơi, tự tạo gánh nặng tâm lý cho bản thân mình. Khi sự việc không như ý, bạn sẽ sợ người khác coi thường mình; áp lực càng lớn, càng dễ mắc sai lầm.
Người có trí tuệ cảm xúc càng cao càng không dễ dàng tiết lộ những việc chưa chắc chắn. Dù thành công sắp đến, khi người khác hỏi, họ cũng sẽ khiêm tốn nói "còn quá sớm”. Không nói lời quá chắc chắn, cũng không vội vàng tiết lộ, đó là cách giữ cho mình sự khiêm tốn. Làm được vậy, bạn mới dễ dàng giúp bản thân từ thành công này tiến đến thành công khác.

2. Đừng tùy tiện nói với người ngoài tình hình chi tiết của con cái
Chuyện trong nhà, khôn ngoan chính là biết đóng cửa bảo nhau. Mỗi gia đình đều có những bí mật không muốn ai biết và những chuyện vặt vãnh thường ngày. Bất kể là chuyện gì, liên quan đến quyền riêng tư của người nhà, đặc biệt là tình hình chi tiết liên quan đến con cái, bạn nhất định không được tùy tiện nói với người ngoài.
Lòng người khó đoán. Bạn nghĩ đó chỉ là chuyện trò sau bữa cơm nhưng kẻ xấu có thể lợi dụng, gây ra tai họa lớn cho con cái và gia đình.
Có người phụ nữ nọ mỗi lúc rảnh rỗi thích đến công viên gần nhà nhảy múa. Ở đó, cô quen một người khác cũng có cùng sở thích, hai người ngày càng trở nên thân thiết hơn.
Ban đầu, nội dung những cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh việc nhảy múa. Sau đó, hai người bắt đầu nói về gia đình của nhau. Người phụ nữ này cảm thấy đối phương là người tốt nên thoải mái nói cho người kia biết tên con gái mình, nơi làm việc, mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền và cả những chuyện riêng tư khác. Cho rằng đây chỉ là chuyện trò, cô không hề suy nghĩ nhiều.
Nhưng cô không ngờ rằng, đối phương cố tình dò hỏi thông tin, sau khi nắm được kha khá đã tìm cách lừa gạt lòng tin của con gái cô, khiến cô ấy mất một khoản tiền lớn.
Khi trò chuyện với người ngoài, đừng tùy tiện nói ra tình hình chi tiết của con cái. Bạn không thể biết ý định thực sự của đối phương là gì. Nói quá nhiều chỉ mang lại rắc rối và tổn thất lớn cho chính con cái và gia đình bạn.

3. Không tùy tiện kể những chuyện riêng tư nghe được từ người khác
Bạn thường nói những lời gì, cuối cùng bạn sẽ trở thành người như thế. Khi bạn nghe được chuyện riêng tư từ người khác, thái độ tốt nhất là không quay đầu kể cho ai mà hãy giữ im lặng, để những lời đó chìm vào bụng mình.
Vì là chuyện nghe được từ người khác nên có thể không chính xác. Bạn càng không rõ đầu đuôi câu chuyện nên nếu tin là thật và đem lan truyền thì bạn có thể sẽ rơi vào bẫy của người khác.
Trong cuộc sống thực tế không thiếu những người như vậy. Vì quá đơn thuần, ngây thơ, khi có người cố tình kể cho mình nghe những chuyện riêng tư của người khác liền không suy nghĩ nhiều mà đi kể tiếp. Họ không ngờ đó đều là ý đồ, mục đích để họ loan truyền những tin đồn làm tổn thương người khác.
Người càng trưởng thành càng biết im lặng. Khi nghe được những chuyện riêng tư từ người khác, họ thường chỉ cười trừ, không bao giờ nhân cơ hội nói lung tung. Dù có người cố tình hỏi, họ cũng sẽ giả vờ không biết. Đó là cách tự bảo vệ mình tốt nhất và cũng là trí tuệ sống cần thiết khi giao tiếp với người khác.