12 năm mò mẫm tìm đường “cứu” con trai tự kỷ của mẹ đơn thân ở Hải Phòng: Tôi đã học cách chấp nhận và đồng hành!

Google News

Khi nghe bác sĩ chẩn đoán con bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ năm 3 tuổi, người mẹ trẻ chỉ biết ôm con vào lòng, gạt nước mắt và tự hứa sẽ cùng con vượt qua tất cả. 

12 năm qua, kể từ ngày phát hiện cậu con trai Trịnh Văn Nghĩa (tên gọi ở nhà là bé Khôi, SN 2010) mắc hội chứng tự kỷ, chị Trang (Hải Phòng) đã trải qua một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với số phận. Dù giờ đây đã đủ bình thản để chấp nhận sự thật và xác định đồng hành cùng con suốt chặng đường tiếp theo, nhưng khi nhắc lại hành trình dài ấy, chị vẫn không khỏi nghẹn ngào. Có đôi lúc bất giác nhìn vào mắt con, người mẹ ấy lại tự động viên bản thân: “Có lẽ ông trời thấy mẹ đủ tình thương yêu nên đã gửi con đến với mẹ”…

Hãy cố gắng vì bên cạnh con luôn có mẹ

Mẹ đã từng không chấp nhận sự thật đau lòng 

Lúc con chào đời, cậu bé được đón nhận tình yêu thương và sự nâng niu từ đại gia đình. Ai cũng nói bé trông tuấn tú từ khi còn bé xíu với gương mặt bầu bĩnh đáng yêu, ánh mắt nhanh nhẹn hoạt bát. Nhìn cậu bé xinh xắn ngoan ngoãn, chẳng ai có thể ngờ cậu lại mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. 

Người mẹ chia sẻ, khi con được 22 tháng tuổi, cũng là lần đầu tiên chị đưa con đi khám vì phát hiện một số hành vi bất thường của con. Bé được chẩn đoán tăng động, rối loạn giảm chú ý kèm theo những biểu hiện bất thường, nên can thiệp sớm. Lúc bấy giờ, chị  không tin lời bác sĩ nói. Trong lòng người mẹ trẻ vẫn đinh ninh rằng con bình thường, chỉ là một đứa trẻ có chút hiếu động và chậm nói đơn thuần mà thôi. 

Đó là một cậu bé đáng yêu, ngoan ngoãn và rất biết nghe lời

Đến năm bé được 3 tuổi, bác sĩ kết luận con bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Lần này, người mẹ ấy đã phải chấp nhận sự thật và tìm hiểu những thông tin liên quan đến hội chứng tự kỷ. Kể từ ngày đó, chị Trang bắt đầu hành trình đầy gian truân tìm kiếm thông tin, biện pháp can thiệp để song hành cùng con vượt qua tuổi thơ gian khó. 

Khi con mới được chẩn đoán, hội chứng này chưa nhiều như bây giờ, thông tin đại chúng cũng ít, tôi còn không smartphone để tìm hiểu. Bản thân làm mẹ cảm thấy khó khăn và không biết phải xoay xở thế nào. Xung quanh là bao ánh mắt kỳ thị, lời lẽ không hay dành cho con, nhưng tôi vẫn tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua, đồng hành cùng con, vì con và vì chính bản thân mình”, người mẹ nhớ lại những ngày đầu đầy nước mắt. 

Vì con, mẹ có thể làm tất cả 

Trải qua mấy tháng trời tìm hiểu thông tin từ những người xung quanh, chị đã thuê giáo viên về nhà để thực hiện phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ. Thời điểm đó, chị cho con trai vừa can thiệp vừa học ở trường mầm non bình thường. 

Người mẹ ấy đã cố gắng làm tất cả cho con, nhưng vì những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin đại chúng mà chị chưa thực sự đạt được kết quả tốt. Thế rồi, biến cố gia đình đã ập đến lúc con lên 5 tuổi càng làm gián đoạn công cuộc chữa trị. Khi ấy, hai vợ chồng chị ly hôn. 

Lúc đó, tôi vẫn đang loay hoay trong việc sẽ làm gì để trang trải cuộc sống, để lo cho con? Hai mẹ con dắt nhau về ngoại, công việc, kinh tế đều bấp bênh. Tôi quyết định nghỉ công việc ổn định để lao ra ngoài xã hội, kiếm tiền lo cho con. Vừa chăm sóc con, vừa tìm hiểu phương pháp điều trị cho con và vừa kiếm tiền, nhiều lúc tôi đã rất mệt mỏi và stress, nhưng may mắn bên cạnh có gia đình đồng hành”, chị tâm sự.

Hai mẹ con luôn đồng hành cùng nhau trong cuộc sống hàng ngày

Về phần Khôi, cậu bé mắc chứng tự kỷ nhưng tính cách hiền lành, ngoan ngoãn và rất biết nghe lời. Trải qua 6 năm đầu đời, chị vẫn nuôi dạy con rất tốt, nhưng chưa thực sự đủ với một đứa trẻ tự kỷ. 

Nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, khi được ai khuyên hay mách bảo phương pháp gì, chị đều áp dụng. Thậm chí phải dùng kinh phí lớn để cho con theo học, chị cũng sẵn sàng kiếm tiền chi trả vì niềm vui thấy con nói cười. Chị chỉ cần con trai sống vui vẻ, dù biết mình sẽ phải vất vả nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn.

Chính con đã cho mẹ biết thế nào là yêu thương

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ấy, người mẹ chia sẻ: “Lúc đó tôi không có kiến thức, không học hỏi, trau dồi được nhiều. Tôi đã áp dụng mọi cách để dạy con, nhưng không đủ kiên trì và phải dừng lại giữa chừng nhiều lần. Tôi đã để 6 năm đầu đời của con trôi qua như một tờ giấy trắng, giá như ngày đó tôi hiểu biết hơn và đưa con đi chữa trị sớm hơn”. 

Cậu bé đã lớn lên cùng hành trình tự mò mẫm đường đi của người mẹ trẻ. Càng về sau, mẹ càng đúc rút nhiều bài học trong cách chăm sóc và dạy dỗ một đứa trẻ tự kỷ. Chị thường xuyên cho con ra ngoài, giao tiếp với nhiều người và đặc biệt là kiên trì khi dạy con. 

Cậu bé của hiện tại, đã cao lớn và trưởng thành hơn

Dần dần, thấy con có tiến triển tốt, chị rất vui mừng và tự hứa sẽ luôn đồng hành cùng con, dành tất cả những điều tốt nhất để được lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Cậu bé Khôi của hiện tại đã 15 tuổi nhưng suy nghĩ hành động chỉ như đứa trẻ 5 tuổi mà thôi. Là mẹ, chị Trang hiểu bản thân con đã cố gắng rất nhiều để có được như ngày hôm nay. 

Sau bao chông gai, dù con vẫn chưa thể giao tiếp với mọi người bằng giọng nói của mình nhưng con đã lớn hơn, trưởng thành hơn, có nhận thức hơn, biết tự phục vụ bản thân và đôi khi giúp mẹ được khá nhiều việc trong nhà. 

Đến giờ con đã tiến bộ rất nhiều, con được như ngày hôm nay đã là thành quả của sự cố gắng ở cả mẹ và con. Thực sự khi đã trải qua rồi, tôi vẫn tự hỏi bản thân tại sao mình có thể làm được như thế? Có lúc yếu lòng, mỏi mệt, có những điều không thể nói với ai được, nhưng tôi không buông bỏ con mình mà đã làm tất cả cho con”, chị bộc bạch. 

Với mẹ, con là món quà vô giá

Vậy là trong 15 năm nuôi con thì 12 năm người mẹ ấy đối diện với những khó khăn trong việc tìm đường “cứu” cậu con trai tự kỷ. Điều khiến chị tiếc nuối nhất chính là không dám đối diện sự thật, không cho con can thiệp sớm và để 6 năm đầu đời của con trôi qua một cách vô nghĩa. 

Qua câu chuyện của chính mình, chị cũng hi vọng các bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chứng rối loạn phổ tự kỷ, chấp nhận và yêu thương con mình, đồng hành cùng con sớm nhất có thể. So với những đứa trẻ khác, con còn nhiều khiếm khuyết nhưng với mẹ, con vẫn là món quà quý giá nhất trong đời, là động lực cho chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, là sự gắn kết giúp mọi người yêu thương nhau hơn.

THẢO ANH

Bình luận(0)