Gom được 200.000 đồng cho hành trình 2.000km
Trên hành trình về quê tránh dịch, anh Liu Văn Kiến (39 tuổi, dân tộc Sán Chay) cùng vợ đi xe máy từ tỉnh Bình Dương trở về huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
5 tháng mất việc, vợ chồng anh Kiến chỉ còn đúng 200.000 đồng trong người để trở về quê. Chiếc điện thoại là tài sản giá trị nhất, anh Kiến bán đi lấy tiền để làm test nhanh, trước khi bước vào cuộc hành trình nghiệt ngã nhất cuộc đời.
|
Vợ chồng anh Liu Văn Kiến dự kiến đi xe máy 1.800 km trong vòng 4 ngày. |
Anh Kiến và vợ đều là công nhân tại một xưởng gỗ công nghiệp tại Bình Dương. 3 tháng đầu năm đi làm, lương của cả hai vợ chồng được 15 triệu đồng/tháng. Quá nửa trong số đó được gửi về quê nuôi 3 con ăn học.
Dịch đến bất ngờ, hai vợ chồng dùng hết số tiền còn lại trong người, cầm cự hơn 4 tháng nay cho đến ngày được rời khỏi Bình Dương về quê.
|
Anh Kiến rơm rớm nước mắt khi nhắc về hành trình hồi hương của hai vợ chồng. |
"Trong đoàn có 12 người, chạy trên 6 chiếc xe máy. Tôi nghĩ, với 1.800 km, chúng tôi sẽ mất 4 ngày để từ Bình Dương về đến Lai Châu. Chỉ mong sao, từ đây về đến nhà, xe không hỏng, chứ hỏng rồi thì không biết lấy đâu ra tiền mà sửa", anh Kiến nói.
|
Vợ chồng anh Kiến đều được tiêm một mũi vaccine trước khi về quê. |
Thảy vội miếng mì tôm sống vào miệng, trệu trạo nhai trong lúc chờ lực lượng chức năng dẫn ra khỏi tỉnh Đắk Nông, chị Trần Thị Kim (vợ anh Kiến) nói, lần này trở về, mong muốn duy nhất là sức khỏe. Có lẽ sẽ rất lâu nữa, hai vợ chồng mới quay lại Bình Dương để kiếm sống.
"Bây giờ cũng gần hết năm, không biết bao giờ dịch mới hết. Trước mắt vợ chồng tôi về nhà kiếm tạm việc gì làm nuôi con, sống qua ngày. Chắc phải sang năm mới vào làm lại", chị Kim nói.
|
Những lao động từ Bình Dương đi bộ về Hà Giang chỉ mang theo những hành lý cần thiết. |
Hành trình ... "không còn nước mắt"
Đôi chân của Chẩu Thị Kính (26 tuổi, dân tộc Mông) sưng tấy sau gần một ngày đi bộ. Đêm qua (2/10), Kính cùng chồng hòa vào đoàn người đồng hương Hà Giang, xuất phát từ huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), bắt đầu hành trình cuốc bộ về quê.
Khi đến tỉnh Đắk Nông, đoàn người đành phải dừng lại, vừa để nghỉ ngơi, vừa trông chờ sự trợ giúp của địa phương sở tại.
Kính kể, hai vợ chồng quê ở huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang). Đầu năm 2021, Kính gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội rồi cùng chồng rời quê vào Bình Dương làm công nhân.
|
Đêm ngày 2/10, Kính cùng chồng hòa vào dòng người đồng hương Hà Giang. |
Thế nhưng, mới làm được 3 tháng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vợ chồng Kính mất việc, đúng lúc chị mang thai đứa con thứ 3.
Tranh thủ chồng chợp mắt, Kính sắp xếp lại số hành lý mang theo người. Cứ mỗi lần nghỉ ngơi, số quần áo đồ dùng trên người lại phải vứt bỏ đi một ít vì sức người không thể mang nổi.
"Chân em sưng to quá, đi lại cũng đã khó khăn nên không mang được đồ đạc. Từ đêm qua tới giờ, chồng em mang theo 3 túi hành lý nhưng giờ không đủ sức nữa rồi. Có lẽ chỉ mang theo mấy bộ quần áo thay dọc đường, còn lại bỏ đi hết", Kính thở dài, đưa đôi mắt nhìn chồng đang nằm ngủ thiếp đi trên nền đất.
Thai phụ quê Hà Giang và chồng đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định lên đường về quê. Kính đã khóc rất nhiều khi phải lựa chọn cách đi bộ gần 2.000 km trong khi mình đã ở những tháng cuối thai kỳ.
"Em biết giờ đi bộ về rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả con và em. Nhưng nếu không về cũng không còn tiền để trụ lại", Kính xót xa, hoang mang nghĩ chưa biết ngày nào sẽ về tới quê nhà.
Ông Đào Kim Nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) cho biết, từ tối 2/10 đến chiều 3/10, khoảng gần 20.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch, đi qua Chốt kiểm soát dịch Cai Chanh (xã Đắk Ru).
Đây là đoàn người và phương tiện lớn nhất mà tỉnh cửa ngõ Tây Nguyên tiếp nhận trong 2 tháng qua. Đáng lưu ý, trong số này có rất nhiều người lao động trở về các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La...
Vấn đề khó khăn nhất của chốt kiểm dịch hiện nay là hơn 500 người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc phía Bắc đang kẹt lại ở cửa ngõ của Tây Nguyên. Tất cả đều đi bộ từ Bình Dương để trở về các tỉnh, thành phía Bắc.
Để hỗ trợ người dân, tối 3/10, ông Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho biết, UBND tỉnh Đắk Nông đã điều 10 xe khách, chở số công dân này đi qua tỉnh Đắk Nông.
Mỗi xe khách có sức chứa khoảng 50 chỗ ngồi, đưa người từ Chốt Kiểm soát dịch Cai Chanh đến Cầu 14, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Sau đó, các địa phương tiếp theo hỗ trợ số công dân này về quê.