|
Công tác khử khuẩn được thực hiện sau khi có ca nhiễm SARS-CoV-2 tại phố Trúc Bạch, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Sau nhiều ngày không có ca bệnh mới, tính đến 11 giờ ngày 8/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 ca mắc mới SARS-CoV-2, đưa tổng số mắc lên 21 ca.
Trước những lo lắng của người dân về dịch COVID-19 đã xuất hiện và gia tăng tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chuyên viên cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng: “Việt Nam đang rất minh bạch trong công bố ca bệnh, các tình huống này đều đã có trong kịch bản mà chúng ta chuẩn bị trước. Cụ thể, theo kịch bản ứng phó, ca bệnh SARS-CoV đầu tiên của Hà Nội là bệnh nhân N.H.N (26 tuổi, đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch và trở về Hà Nội ngày 1/3 trên chuyến bay VN0054) được coi là ca xâm nhập, đi từ nước ngoài về và lây lan trong cộng đồng hẹp, chứ không phải trường hợp không phát hiện được nguồn lây ban đầu. Việc xác định nguồn lây ban đầu này đã giúp chúng ta có thể xác định được người tiếp xúc và cách ly kịp thời”.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đánh giá, việc xử lý dịch của Hà Nội vừa qua rất tích cực; đã phát hiện nguồn lây và tổ chức cách ly triệt để, đồng thời đã thực hiện rất tốt về mặt chuyên môn. Vì vậy người dân không nên hoang mang, không nên phản ứng thái quá, có thể gây hệ luỵ không đáng có cho xã hội.
“Người dân cần tiếp nhận thông tin chính thống từ các nguồn, các trang web của Bộ Y tế để nắm tình hình dịch và thực hiện. Đặc biệt, những người đi về từ các nước cần thực hiện khai báo y tế đúng theo quy định”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, việc tự giác khai báo đầy đủ thông tin rất quan trọng, điều này còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Việc khai báo y tế đã được thực hiện ở tất cả các cửa khẩu.
Đặc biệt từ sáng 7/3, tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam đều bắt buộc phải khai báo y tế. Ngoài việc khai báo y tế bằng giấy, Việt Nam cũng đang triển khai việc khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử để tạo thuận lợi cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
Với những người có tiền sử dịch tễ đi từ các nước về nếu có triệu chứng như: Ho, sốt cần đến các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị. Đồng thời, cần thực hiện tốt vệ sinh như: Rửa tay, diệt khuẩn, vệ sinh các đồ dùng… để phòng bệnh. Nếu chính người bệnh đeo khẩu trang thì các giọt bắn ít phát tán ra môi trường cũng giảm được nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo BS. Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Hầu hết người dân Việt Nam đều có ý thức tốt trong việc phòng bệnh, trách nhiệm với cộng đồng tốt, nhưng không thể tránh được một vài người thiếu ý thức, điều đó sẽ gây hậu quả đáng tiếc, cụ thể là có những trường hợp khai báo gian dối, trốn cách ly. Mỗi một cá nhân cần có ý thức tự giác chấp hành cách ly nghiêm túc để bảo vệ chính mình và không lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hiện nay nhiều nước đã rất mạnh tay với các chế tài xử phạt các trường hợp trốn cách ly, Việt Nam cũng cần có chế tài mạnh, hành lang pháp lý đủ mạnh với các trường hợp trốn cách ly, gây ra hậu quả cho cộng đồng.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh COVID-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch COVID-19.