Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung gửi công điện đến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Hà Nội, UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh, Môi trường đô thị, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Các Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi: Hà Nội, Mê Linh, Sông Tích, Sông Đáy, Sông Nhuệ.
Trong công điện gửi đi, UBND TP Hà Nội nêu rõ, bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy Trung ương, hồi 7 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão số 7 (có tên Quốc tế Sarika) ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
|
Vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. |
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Đến 7 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Nam Định khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Bão số 7 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, thực hiện Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10, của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7, để chủ động phòng chống có hiệu quả với diễn biến bất lợi của mưa, bão, lũ trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức trực 24h/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 7, triển khai phương án phòng, chống lụt bão đã phê duyệt; rà soát kiểm tra, cử lực lượng trực tại các vị trí đê kè, hồ, đập trọng điểm, xung yếu, các công trình đang thi công; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, tổ chức sơ tán nhân dân ở các khu vực sạt lở nguy hiểm, các khu nhà không đảm bảo an toàn; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa muộn, hoa màu, chủ động đề xuất với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ lực lượng giúp nhân dân thu hoạch khi cần thiết; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố: Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 7 tại các quận, huyện, thị xã; tổ chức thường trực, theo dổi diễn biến, tình hình mưa bão úng, ngập, tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo xử lý; hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật xử lý các sự cồ vê đê điều và các công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện, thị xã; chỉ đạo thực hiện tiêu úng ngoại thành, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa muộn, hoa màu; thực hiện phương án phục hồi sản xuất sau mưa bão và bảo vệ sản xuất cây vụ Đông.
3. Sở Xây dựng chỉ đạo chủ động triển khai phương án phòng chống úng, ngập khu vực nội thành; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận kiểm tra, rà soát các khu nhà ở đã xuống cấp, nguy hiểm để sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, chỉ đạo kiểm tra phòng chống cây đổ; kiểm tra, bảo đảm an toàn các thiết bị thi công, các công trình đang xây dựng trên địa bàn Thành phố.
4. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thường xuyên nắm bắt tình hình mưa bão, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực để tham gia ứng cứu, xử lý kịp thời các sự cố do mưa bão, úng, ngập gây ra; triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, tổ chức lực lượng hỗ trợ nhân dân trong phòng chống thiên tai.
5. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố chủ động thực hiện phương án phân luồng, bố trí lực lượng, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc; với những khu vực, tình huống nguy hiểm yêu cầu dừng việc qua lại để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng của nhân dân.
6. Công an Thành phố triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian mưa bão, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm.
7. Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan: Chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão theo nhiệm vụ được phân công.
8. Sở Tài chính phối họp Sở Kế hoạch và Đầu tu bố trí kinh phí thực hiện xử lý tình huống cấp bách; đảm bảo an toàn đê điều, công trình phòng chống lụt bão.
9. Thành đoàn Hà Nội: Tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ nhân dân phòng, chống bão số 7.
10. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội kiểm tra, đảm bảo an toàn về điện, cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn.
11. Các công ty Thủy lợi, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; chủ động bơm tiêu nước đệm trong đồng và các kênh tiêu chính; hạ thấp mực nước các hồ nội và ngoại thành đối với các hồ có mực nước cao; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để bơm tiêu úng, xử lý kịp thời các sự cố về công trình thủy lợi và các điểm úng ngập trên địa bàn.
12. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh: Kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây và cành cây có nguy cơ bị đổ gãy khi có mưa, bão; tổ chức lực lượng giải tỏa các sự cố về cây đổ đảm bảo an toàn giao thông đi lại, cảnh báo các vị trí nguy hiểm.
13. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố chủ động kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão theo địa bàn được phân công; nắm chắc diễn biến tình hình mưa, bão để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7, phản ánh kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố.
14. Các cơ quan báo đài tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão để nhân dân chủ động phòng tránh...