Ngày 25/11/2022, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Ban quản lý Dự án Đầu tư Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Đakrông tổ chức Lễ khởi động Dự án Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình Góp Một Cây Để Có Rừng của VARS được triển khai trên địa bàn hai huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) với mục tiêu trồng 117,9 ha rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn giai đoạn 2022-2023.
Đại diện VARS đã làm việc với hai huyện Đakrông và Hướng Hóa và xác định hai địa bàn triển khai trong năm 2022 là xã Tà Rụt (huyện Đakrông) và xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) để trồng và phục hồi rừng.
Ông Ngô Văn Hồng, Phó giám đốc VARS cho hay, mỗi khu vực khác nhau sẽ có điều kiện lập địa và đặc điểm khí hậu khác nhau nên các nhóm cây trồng bản địa được đưa vào trồng phục hồi rừng sẽ khác nhau.Bên cạnh đáp ứng đó, các loại cây đa mục đích, vừa phòng hộ vừa tạo sinh kế đã được người dân, chủ rừng, các chuyên gia kỹ thuật và chính quyền địa phương ưu tiên lựa chọn.
"Tại xã Hướng Việt (Hướng Hoá) cây trồng chính là cây Trẩu và Xoan nhừ; Tại xã Tà Rụt (Đakrông) loài cây được chọn trồng gồm Giổi, Lát hoa, Gáo vàng và Ươi”, TS. Ngô Văn Hồng, Chuyên gia Lâm sinh, Phó Giám đốc VARS chia sẻ.
|
Diện tích rừng ở Quảng Trị đang bị suy giảm nghiêm trọng. |
Cũng tại sự kiện này, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Nền tảng tài chính Kỹ thuật số TNEX tham gia đóng góp trồng 1112 cây rừng với hy vọng sẽ đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho môi trường, con người Việt Nam cũng như lan tỏa thói quen sống xanh cho giới trẻ tại Việt Nam và ngăn ngừa các thiên tai gây ra do biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các dự án tương tự nhằm góp phần khắc phục các thiên tai lũ lụt cho những địa phương khó khăn. Đây cũng là cam kết của chúng tôi đối với góp phần bảo vệ môi trường và tương lai phát triển bền vững vì một Việt Nam xanh", trích lời ông David Jimenez Maireles - Phó Tổng Giám đốc TNEX.
Quảng Trị là một trong các tỉnh miền Trung chịu nhiều tác động từ thiên tai, trong khi đó diện tích rừng và năng lực phòng hộ rừng lại bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều năm qua, những nhà sáng lập của VARS và một số chuyên gia về lâm sinh và chính sách bảo vệ rừng đã khảo sát thực địa, tiếp xúc với bà con, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng rừng bị phá, hiện đang trở thành đất trống, đồi núi trọc. Nhiều nơi, bà con nhận ra, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng. Bà con nhận thức được những giá trị đó nhưng không có khả năng tự lực. Xuất phát từ chính nhu cầu của chính quyền và bà con địa phương, VARS chọn đầu nguồn sông Thạch Hãn là địa bàn tiếp theo để triển khai dự án.
Đây là dự án quan trọng và dài hơi của VARS bên cạnh dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh (Quảng Bình) đã và đang được triển khai từ 21/3/2021.
Tính tới ngày 20/11/2022, VARS đã nhận được 1.924 lượt đóng góp từ 1.905 cá nhân và 19 tổ chức với tổng số tiền 7.544.787.148 đồng. Khoảng 184.270 cây (tương đương 165,86 ha rừng) đã được trồng mới. Trong đó năm 2021 trồng được 80,46 ha; 2022: 85,4 ha và tiếp tục trồng để đạt 100 ha tại Quảng Bình và 100 ha tại Quảng Trị trước 21/3/2023.