Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vào sáng 20/9, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý.
“Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, dàn trải, “năm cha, ba mẹ”.
Các bộ, ngành, địa phương phải kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Các đơn vị cần xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Văn phòng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được Chính phủ giao triển khai, trước hết là phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018.
Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đất đai quốc gia, đăng ký doanh nghiệp và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, trước mắt, tập trung ưu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11, trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
“Các đồng chí đều nói thể chế, khung pháp lý là quan trọng nhất mà chúng ta phải tập trung để làm sao có khung pháp lý tốt để triển khai Chính phủ điện tử. Các bộ có liên quan phải tập trung làm cái này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban thành 4 nhóm công tác về: Thể chế và cải cách hành chính; nguồn lực và bảo đảm thực thi; giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin; truyền thông.
Thủ tướng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, tránh để tình trạng “đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được do ách tắc chuyện này, chuyện kia”.
Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải "mạnh ai nấy làm".
Cũng tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng góp ý: “Đối với một dự án nền tảng cho Chính phủ điện tử thì không nên 'người người chỉ đạo, nhà nhà làm' như vừa qua mà nên một người chỉ đạo, một số ít các doanh nghiệp lớn làm thì mới nhanh, mới bảo đảm sự thống nhất, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là thể chế, chính sách và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm giúp Thủ tướng để Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ dữ liệu. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng để ban hành nghị định về lưu giữ hồ sơ điện tử.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Đây được xem là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Kết luận phiên họp, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.