Chiều nay (31/12), Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp thông báo kết quả Phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Thông tin về kết quả công tác phòng, chống lãng phí, ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác này đã được Đảng, Nhà nước phát hiện từ sớm và nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng phải thừa nhận thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải coi công tác phòng, chống lãng phí đúng bản chất là ngang hàng với tham nhũng, tiêu cực.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương thông tin tại cuộc họp.
Ngay sau bài viết của Tổng Bí thư, vào cuối tháng 10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí. Tới nay, cơ bản các Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh cũng đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí theo quy định của Ban Bí thư.
Ông Đặng Văn Dũng cho biết, đến nay, các địa phương đã tiến hành rà soát các dự án, vụ việc có dấu hiệu thất thoát, lãng phí. Trong đó, Hà Nội rà soát hơn 800 dự án và mới tập trung xử lý 3 vụ án đã thu hồi hơn 42.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo hồi tháng 11 vừa qua đã đề ra các chủ trương cấp bách để tiến hành công tác chống lãng phí. Trong đó, rà soát phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan lãng phí theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng”. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới trong công tác này.
Cũng theo ông Đặng Văn Dũng, tại phiên họp 27 diễn ra vào sáng nay (31/12), Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý tập trung 3 lĩnh vực chống lãng phí, gồm: lĩnh vực đất đai; môi trường, tài nguyên khoáng sản và tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư nước ngoài...
Tại phiên họp, Tổng Bí thư yêu cầu tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra đối với 2 dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam, kết luận thanh tra trước 31/3/2025 và triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện vào hoạt động, không thể để kéo dài hơn nữa.
Đã khởi 2 vụ án đầu tiên về lãng phí
Tại cuộc họp, thông tin thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, năm 2024, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng với nhiều kết quả quan trọng.
Từ 12/2023 đến 12/2024, cơ quan điều tra công an đã phát hiện gần 5.700 vụ với hơn 10.200 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại cuộc họp.
Đặc biệt là trong năm 2024, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ án lớn được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Phúc Sơn, Thuận An... Bên cạnh đó, lực lượng công an đã chủ động nhận diện, phát hiện các nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân trên nhiều lĩnh vực; qua đó đã khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng...
Ông Hoàng Anh Tuyên cho biết, tới nay, các cơ quan công an đã khởi tố 2 vụ án điển hình, gây thất thoát, lãng phí gồm: vụ án thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh; vụ án dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An).
"Đây là 2 vụ án không lớn lắm nhưng là 2 vụ án đầu tiên trong phòng, chống lãng phí", ông Hoàng Anh Tuyên cho biết.
Theo ông, thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí cũng sẽ được Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Bộ Công an sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nhận diện các hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của Nhà nước, nhân dân. Từ đó, đã tham mưu đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ tập trung xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra làm rõ bản chất, ngăn chặn kịp thời các vụ án, vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.