Các kho hải sản đông lạnh nhiễm độc đã được chôn lấp
Chiều nay 16/12, tại TP. Hà Tĩnh, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1/1/2016 đến 5/12/2016.
Sáng cùng ngày, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dẫn đầu tổ công tác đã kiểm tra kho đông lạnh và đến xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) kiểm tra tiêu hủy gần 300 tấn hải sản tồn đọng nhiễm kim loại nặng như Phenol và Cadimi.
Trong buổi làm việc, tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo về hoạt động nuôi trồng thủy sản đã trở lại bình thường, ngư dân đã ra khơi bám biển, hải sản khai thác đem về được thu mua ổn định. Biển Hà Tĩnh đã rộn ràng trở lại.
Cụ thể, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã trở lại bình thường. Diện tích nuôi cá, hải sản nước mặn và nước lợ đã đạt hơn 2.600 ha (đạt 95% kế hoạch). Ngư dân đã ra khơi bám biển với số tàu hoạt động ven bờ đạt 70%-80%, tàu xa bờ đạt 85%-90%. Hải sản khai thác đem về được thu mua ổn định...
Đến nay, Hà Tĩnh xử lý chôn lấp gần 300 tấn cá đã được cơ quan chuyên môn xác định là có nhiễm độc. Như vậy, cá Hà Tĩnh bị nhiễm độc đã xử lý hết, không còn trong kho. Địa phương đã chuẩn bị hố chôn lấp đúng quy trình kỹ thuật, đúng quy chuẩn 261 đã được Bộ Xây dựng phê chuẩn; quá trình chôn lấp được thực hiện theo 4 bước như hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Bộ sẽ có văn bản chính thức công bố biển Hà Tĩnh đã an toàn
Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định tại buổi họp: Cuối tháng 8/2016, Bộ TN&MT đã công bố môi trường biển miền Trung đã an toàn, dù chưa gửi văn bản chính thức. Thứ 2 tuần tới, Bộ sẽ có văn bản chính thức gửi về địa phương công bố môi trường biển “đã rất an toàn”. Mong muốn nhân dân an tâm đánh bắt, tiêu thụ hải sản như trước đây.
Trước khẳng định của Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói thêm: Môi trường biển rất an toàn. Vậy, trong việc sản xuất, phải chứng minh bằng khoa học là cá tầng đáy đã đánh bắt được chưa? Nếu đã an toàn thì phải có văn bản công bố dư luận, tránh gây hoang mang trong lòng dân.
|
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, biển Hà Tĩnh đã rất an toàn. |
Sau sự cố môi trường biển, người dân Hà Tĩnh chịu quá nhiều vất vả, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh nhà bị chững lại, ngư dân vùng biển thiếu công ăn việc làm, hải sản đánh bắt không tiêu thụ được…
Trong buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tiếp tục công bố chất lượng môi trường biển và chất lượng hải sản tầng đáy.
“Ngoài việc công bố chất lượng hải sản tại các tỉnh miền Trung, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan khoa học cần phân tích, kết luận một cách khách quan, chính xác về thực trạng, nguyên nhân hải sản không đảm bảo an toàn.
Đồng thời, có đối chứng, so sánh với các vùng khác, thời kỳ khác để người dân và chính quyền địa phương có định hướng trong phát triển khai thác thủy hải sản lâu dài. Tránh tình trạng khi hải sản không đảm bảo quy kết cho sự cố môi trường, sẽ ảnh hưởng đến khôi phục sản xuất của ngư dân” – Bí thư Sơn nhẫn mạnh.
Sự cố là bài học quá đắt cho Hà Tĩnh
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra. Giá trị thiệt hại kê khai bước đầu hơn 1.900 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 48.000 lao động bị ảnh hưởng. Gần 70.000 tàu cá; hơn 2.200 ha ao, hồ, bãi triều; hơn 31.000 ha lồng bè; 127 ha sản xuất muối bị ảnh hưởng...
Về chi trả, bồi thường cho các đối tượng, tính đến ngày 15/12, UBND cấp huyện đã thẩm định, phê duyệt và trình Hội đồng cấp tỉnh số tiền hơn 680 tỉ đồng. Hội đồng cấp tỉnh đã thẩm định phê duyệt hơn 640 tỉ đồng. UBND cấp huyện ở Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả, bồi thường cho người dân là hơn 500 tỉ đồng...
Tuy nhiên, qua kiểm tra, ngoài những lô hải sản đã xác định an toàn phải tiêu hủy (295 tấn hải sản tươi), thì còn một lượng khá lớn hải sản có kết quả xét nghiệm an toàn, nhưng do bảo quản lâu nên đến nay giảm phẩm cấp, chất lượng và hư hỏng, trong đó có 150 tấn sứa ướp muối.
|
Biển Hà Tĩnh đã rộn ràng trở lại. |
Bên cạnh đó, có khoảng 339 tấn hải sản khô (cá khô, mực khô) chưa được Bộ Y tế hướng dẫn lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Chưa có quy định đối với hàng quá hạn đối với hải sản đông lạnh, sứa ướp muối, đây là một khó khăn cho người dân, chính quyền.
Theo kiến nghị của ông Lê Đình Sơn, số lượng sứa, hải sản khô còn tồn đọng trong kho thì phải tiêu hủy ngay, tránh ô nhiễm môi trường. Việc này, tỉnh sẽ chịu trách nhiệm phân loại (chậm nhất trong 3 ngày). Cái khó là số lượng hải sản này, không thuộc đối tượng kê khai, hỗ trợ, bồi thường theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg. Các chủ cơ sở sẽ tiếp tục yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ.
Sau khi tiếp thu ý kiến của ông Lê Đình Sơn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hứa sẽ báo cáo Thủ tướng và có văn bản chính thức về việc tiêu hủy, hỗ trợ số lượng hải sản này.
"Đây là yêu cầu rất cấp thiết, khẩn cấp, bởi có xuống với dân mới hiểu nỗi khổ của người dân vùng biển sau sự cố môi trường". – Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Tĩnh, trước ngày 20/12, toàn bộ kho đông lạnh phải kiểm kê, phân loại và báo cáo Chính phủ sớm. Còn lượng hải sản không đảm bảo an toàn thực phẩm, do phẩm chất xuống cấp thì tách biệt loại này ra. Bởi càng lâu kiểm kê thì càng lâu chi trả cho người dân.
Kết thúc buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu: "Sau sự cố môi trường, Hà Tĩnh nhận một bài học quá đắt. Cũng vì sự cố mà kinh tế Hà Tĩnh chững lại. Người dân, chính quyền các cấp cũng lao đao. Cũng mong Chính phủ ghi nhận cho Hà Tĩnh một năm qua dù khó khăn nhưng toàn bộ hệ thống chính trị đã bắt tay vào thực hiện, vực nền kinh tế tỉnh nhà đi lên".