Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề thắc mắc của đại biểu Quốc hội chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận công tác dự báo thiên tai còn chưa chính xác.
Mở đầu ý kiến giải trình về các vấn đề liên quan đến dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn, chia sẻ sâu sắc tới các gia đình có người thân bị nạn cũng như bị mất mát về tài sản trong đợt thiên tai tại các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng như Bắc Trung Bộ vừa qua, những nơi tôi chưa có dịp ghé qua.
“Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua, trong đó có công tác về dự báo chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo định lượng về lượng mưa, về lũ ống và lũ quét. Bên cạnh các nguyên nhân khác cũng được chỉ rất rõ như tình trạng bị mất rừng, công tác quy hoạch bố trí dân cư và đặc biệt khâu người dân đã di cư và bố trí nhà cửa sản xuất vào những khu vực hết sức nhạy cảm liên quan đến các hiện tượng này. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua có một nguyên nhân nữa là lượng mưa có tính lịch sử và hết sức cực đoan như chúng ta đã biết” - Bộ trường Trần Hồng Hà cho biết.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, trên thực tế công tác dự báo định lượng mưa và đặc biệt là công tác dự báo liên quan đến lũ quét, sạt lở đất thì khoa học hiện nay và các nước tiên tiến mới giải quyết được dự báo trên diện rộng, dự báo trong điều kiện cực đoan cũng như dự báo trong một khu vực cụ thể.
“Đây là một điểm còn khiếm khuyết và khoa học hiện nay chưa đảm bảo. Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng được công việc này thì Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư. Cho đến nay chúng tôi đang dần dần đưa các dự án này để đồng bộ phục vụ cho công tác dự báo nói chung. Nhưng nhu cầu để so được mức trung bình trên thế giới thì Việt Nam chúng ta còn phải có huy động rất nhiều nguồn nhân lực”, Bộ trưởng Hà cho biết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Thời gian tới cần phải triển khai thật khẩn trương Luật Khí tượng thủy văn và đặc biệt với tinh thần xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế tham gia chúng tôi sẽ dự kiến huy động, hiện nay có 1.300 điểm đo mưa, điều này giúp cho công tác dự báo tốt hơn mưa định lượng và sẽ bổ sung thêm khoảng 3.000 điểm đo mưa thông qua sự tham gia đầu tư đóng góp của xã hội thì như vậy chúng ta sẽ có trình độ ở mức trung bình khoảng 40-100km2 thì mới có 1 trạm đo mưa. Đây là những công việc chúng ta sẽ cần triển khai ngay năm 2018”.
“Chúng tôi đồng tình với các kiến nghị hiện nay chúng ta đã có xây dựng bản đồ về dự báo về lũ ống, lũ quét, chúng ta đã có bản đồ về tai biến do địa chất và chúng tôi đề nghị các địa phương, các bộ, ngành cùng nhau xem xét để trên cơ sở rà soát lại các bản đồ này để điều chỉnh các quy hoạch về bố trí dân cư, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt ở đây chúng ta đòi hỏi một giải pháp hết sức đồng bộ, đó là quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư, đồng thời chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng và bền vững hơn.
Tôi xin bày tỏ nhất trí cao đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc thì phải coi các cơ chế về môi trường rừng, vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và thủy điện cũng như cơ chế phát triển rừng để gắn với vấn đề sinh kế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và mô hình kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu đối với các khu vực này.
Đồng thời chúng ta sẽ tăng cường các biện pháp về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và tiếp tục phát huy tốt hơn cơ chế 4 tại chỗ mà trong thời gian vừa rồi chúng ta đã ứng phó rất hiệu quả với 10 cơn bão, có những cơn bão có thể nói ở tính chất, nguy hiểm cũng tương đương với các nước tiên tiến mà chúng ta đã thực hiện tốt. Công việc này Bộ Tài nguyên và Môi trường xin được tiếp thu và sẽ phát huy”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.