"Chợ phao" mùa cao điểm
Ngõ 130 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội từng là một "thủ phủ" luyện thi lừng lẫy một thời, cũng là nơi từng bạt ngàn quán photo chuyên phục vụ học sinh, sinh viên một số trường đại học xung quanh như: Trường Đại học Sư phạm (ĐH), ĐH Quốc gia, Học viện Báo chí tuyên truyền…
Trọn bộ "phao thi" văn, sử, địa, được rao bán giá 1,5 triệu đồng ở Hà Nội (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Thay vì bạt ngàn biển ôn thi dài ngày, ôn cấp tốc như trước đây, con ngõ giờ chủ yếu bán đồ ăn vặt cho học sinh và chỉ còn ít quầy photocopy hoạt động.
Khi được hỏi về phao thi "phao cứu sinh", chủ nhân cửa hàng photocopy nhìn khách từ đầu đến chân rồi dè dặt hỏi: "Mua môn gì, một môn hay trọn bộ? Mỗi bộ giá 500.000 đồng, mua trọn bộ 3 môn 1, 5 triệu đồng, không bớt".
Khi thấy đủ tin tưởng, chủ cửa hàng nói chờ 3 phút rồi chạy về phòng trọ mang "phao" ra.
"Chị thông cảm, hàng nhạy cảm nên chúng tôi không dám bày công khai ở đây, ai hỏi mới mang ra. Chị cứ chụp ảnh gửi cháu, ưng thì lấy", chủ cửa hàng phân bua.
Nói rồi, người này thả phịch một túi ni lon nặng khoảng 5kg xuống mặt bàn. Bên trong gồm một chồng tài liệu bản A4 để khách hàng so sánh nội dung, cộng với từng cọc "phao" in với kích cỡ như quân cờ tú lơ khơ, dày khoảng 700-800 trang/cọc, được buộc bằng chun cao su gọn ghẽ.
Từng cọc "phao" trong túi nilon được chủ quầy photo mang từ nhà đến cho khách (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Theo hướng dẫn sử dụng của chủ cửa hàng, những trang đầu tiên là phụ lục. Giở ngược lại là câu trả lời có đánh dấu sẵn số trang như tờ phụ lục được găm ở đầu cuộn.
Mỗi bộ phao dày 2-3cm, tùy môn. Những trang đầu "phao" được in rõ ràng, sáng sủa nhưng càng giữa cuộn, chất lượng in càng giảm.
"Kiểu phao này tôi sáng tạo ra đấy, đảm bảo dễ dùng cực kỳ luôn. Chị có thể so sánh từ bản A4 và bản "phao" xem chuẩn không.
Chị cứ khảo giá xung quanh, đắt xắt ra miếng, không ai in rõ ràng, chuẩn nội dung mà rẻ như này.
Bộ tài liệu A4 này được trả giá 8 triệu đồng. Tiệm cũng đã mang mấy bộ "phao" này đến một số cổng trường khác khảo giá, chắc chắn không có mức 500.000 đồng/bộ. Khảo giá xong, chị quay lại đây nhá", chủ cửa hàng xởi lởi.
Bộ tài liệu A4 được chủ nhân cửa hàng photo ở ngõ 130 Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết có người trả giá 8 triệu đồng (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Tại một cửa hàng photo khác cạnh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giá bộ phao thi ruột mèo khối C được hô "mềm" hơn, khoảng 1 triệu đồng/bộ. Mua lẻ từng môn giá 350.000/môn.
"Thường chị để trong cốp xe một ít nhưng chồng chị vừa lấy xe đi. Nếu cần, chị chạy về nhà độ 5 phút có liền, không thì mai cứ tạt qua cho thoải mái", chị chủ nói.
Ở hàng photo khác trong ngõ 336 đường Nguyễn Trãi, cạnh cổng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, khi hỏi "phao thi", chủ cửa hàng trả lời ngay "không có".
Nhưng khi ghé tai nói nhỏ "cần cho cháu gái đang học ở ngoại thành", chủ nhân cửa hàng này dè dặt: "Có đấy nhưng phải chờ in ra, hiện hàng không sẵn vì mấy nay ít người hỏi".
"Phao" ruột mèo được nhiều người hỏi mua (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Giấu hàng "nhạy cảm" ở file ẩn
Ghi nhận tại một số điểm nóng quanh các trường đại học ở Hà Nội, sợ công an kiểm tra nên gần đây, các cửa hàng không để sẵn "phao" mà lưu các bộ tài liệu in "phao" trong máy tính.
Các văn bản này đã được định dạng sẵn, với phông chữ bé xíu. Khi có người cần, sẽ cho máy chạy ngay hoặc cọc một ít tiền rồi hẹn hôm sau qua lấy.
Các loại "phao" đang thịnh hành và nhiều người hỏi là "phao ruột mèo", "phao vuông".
Trong đó "phao" ruột mèo bán rất chạy. Chiều rộng của loại "phao" này chỉ bằng nửa ngón tay, dài khoảng nửa gang, được xếp chồng lên nhau và cuộn lại bằng dây chun cao su.
Chủ nhân cửa hàng photo ở ngõ 181 Xuân Thủy, Cầu Giấy cho hay tiệm không có sẵn phao giấy. Khách cần môn gì, nhà có sẵn bản mềm trong máy có thể chạy luôn. Thông thường, cửa hàng chạy buổi tối muộn để an toàn.
Chúng tôi không găm sẵn "phao" giấy như trước nữa vì khá nhạy cảm. Giá cả bao nhiêu tùy việc chọn intất cả hay chỉ một số câu để "tủ" Nếu trọn bộ, giá 300.000 đồng/bộ", chủ nhân cửa hàng ở ngõ 181 nói.
Không có loại "phao" bảo đảm đỗ như quảng cáo (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Cũng theo chủ nhân cửa hàng photo này, gần đây nhiều người thường quảng báo các loại phao "xem là đỗ ngay" bởi soạn theo sát đề nhưng anh khẳng định không hề có loại phao đó.
"Tôi làm nghề này bao lâu biết thừa, chỉ đánh lừa khách chứ toàn tài liệu soạn ra cả.
Có mấy nơi khi máy chạy xong, xếp "phao" còn lẫn môn, thí sinh xem chết dở ấy", anh chủ cho biết.
Nói với phóng viên Dân trí về phao thi, một giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu các cuộc thi minh bạch, việc có "phao" hay không cũng không quan trọng.
Đặc biệt đề thi được ra một cách thông minh, không thiên về học thuộc lòng, sĩ tử không thể bám víu vào việc giở tài liệu.
Trong khi đó, một chuyên gia luyện thi cũng nhận xét, hiện nay đề thi đều ra theo hướng "mở", không thiên về học thuộc một cách máy móc, nên quên ngay chuyện giở tài liệu.
Với lượng thời gian hữu hạn và với số câu trắc nghiệm như thiết kế trong đề thi, thí sinh loay hoay với tài liệu không thể kịp.
Chưa kể, chỉ cần phát hiện "găm phao", dù chưa sử dụng thí sinh cũng đã bị đình chỉ ngay lập tức", chuyên gia này nói.