Sớm phát hiện bản chất chiêu trò mê tín, dị đoan, phản khoa học, ông Thảo từ bỏ và quyết liệt đấu tranh, phản bác cái gọi là "Vô vi tâm linh".
"Nhiều người ban đầu không biết tin theo nhưng sau thời gian sẽ nhận rõ bản chất của “Vô vi tâm linh”. Bởi người tu hành không ai làm việc như vậy được. Tôi xác định ông ta không biết chữa bệnh, mặc dù bệnh nhẹ như cảm cúm bình thường thì ổng cũng không chữa được", ông Phạm Thảo khẳng định.
Còn ông Phạm Văn T., ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết, do "Vô vi tâm linh" mà vợ chồng ông T. thường xuyên khắc khẩu, lục đục, gia đình không hạnh phúc. "Có thời gian vợ tôi quá cuồng tín, bị mê hoặc mang theo vài trăm triệu đồng và nhiều tài sản quý giá bỏ nhà ra đi trong thời gian dài. Điều đó ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, hạnh phúc của gia đình tôi", ông T bức xúc cho biết.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, người sáng lập và truyền bá “Vô vi tâm linh” trên địa bàn Quảng Ngãi và Đắk Lắk là ông Trương Văn Thay, hiện ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
"Vô vi tâm linh" đánh thẳng vào tâm lý của những người cả tin, đang gặp hoạn nạn, bị bệnh hiểm nghèo, kinh doanh thua lỗ muốn tìm đến chỗ dựa về tinh thần. Cách chữa bệnh tâm linh “mượn xác nhập hồn”, lên đồng, bốc thuốc chữa bệnh, bói bài, thậm chí cấp bùa chú cho một số người dân cả tin để trấn nhà cửa, giải nghiệp. Với kiểu chữa bệnh theo kiểu “phước chủ may thầy”, nếu khỏi bệnh, họ tự cho mình có khả năng để thế lực tâm linh “mượn xác nhập hồn”, sau đó lập bàn thờ Phật, thần thánh, địa mẫu tại nhà và tổ chức bốc thuốc, chữa bệnh bằng tâm linh cho người có nhu cầu.
Thông qua giới thiệu, những người trên đến ông Thay để được xác nhận là “người có căn duyên” và được Trương Văn Thay đến nhà cúng “mở căn” để “trình Thánh, ra đồng”, nếu những người có "căn" mà không “Trình thánh, ra đồng” thì sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, làm ăn không tốt. Về hoạt động, "Vô vi tâm linh" tổ chức tụng kinh cầu an, cầu siêu, sám hối, cứu kiếp, xem ngày tốt… nên rất dễ tạo sự lầm tưởng giữa "Vô vi tâm linh" với các tôn giáo chính thống và tín ngưỡng dân gian.
Thiếu tá Hoàng Duy Sơn, Trưởng Công an xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn cho biết, thời gian qua, Công an xã mời các cá nhân theo "Vô vi tâm linh" lên làm việc để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ bản chất, nâng cao nhận thức.
Thiếu tá Lâm Văn Hòa, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Bình Sơn, cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện Bình Sơn cũng đã nhận không ít đơn tố cáo của người dân bức xúc về những hậu quả mà "Vô vi tâm linh" gây ra gia đình ly tán, thành viên gia đình nghi ngờ lẫn nhau gây bức xúc trong dư luận. "Đối với những người theo "Vô vi tâm linh" thì hầu hết là gia đình không hạnh phúc, lục đục. Có nhiều trường hợp mang theo vài trăm triệu đồng, tài sản quý giá để bỏ nhà ra đi theo cái gọi là “Vô vi tâm linh”, dẫn đến gia đình tan vỡ", Thiếu tá Lâm Văn Hòa cho biết thêm.
Hoạt động truyền bá cái gọi là "Vô vi tâm linh" của Trương Văn Thay không thuộc tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật Việt Nam công nhận. Với hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để “buôn thần bán thánh”, trục lợi cá nhân, “Vô vi tâm linh” cần phải được xóa bỏ trong đời sống xã hội.