Quốc hội bước vào phiên chất vấn chưa từng có trong lịch sử

Google News

(Kiến Thức) - Sáng nay (16/11), Quốc hội chính thức bước vào phiên chất vấn được mong đợi nhất, chưa từng có tiền lệ khi không chốt danh sách các thành viên Chính phủ trả lời.

Ngay từ khi khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, phiên chất vấn dự kiến diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/111 đã được xem là nội dung được mong đợi nhất bởi có sự đổi mới toàn diện. Nếu như từ trước tới nay, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời thì lần này, các đại biểu sẽ chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng một lĩnh vực nào để thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện ra sao trong suốt nhiệm kỳ. Bên cạnh đó Quốc hội cũng không chốt danh sách các thành viên Chính phủ trả lời.
Quoc hoi buoc vao phien chat van chua tung co trong lich su
 Phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ bắt đầu sáng nay.
Theo trình tự, mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc. Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015. Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Sau khi kết thúc phần trình bày báo cáo, việc thảo luận và chất vấn về các nội dung liên quan được tiến hành kết hợp, không theo nhóm vấn đề.
Theo đề nghị của Ban Thư ký kỳ họp, Quốc hội sẽ tập trung vào kết quả thực hiện các yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội và cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội.
Sau khi trình bày kết quả, Quốc hội sẽ chất vấn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm hoặc chưa đạt được các yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội đặt ra. Đồng thời đề nghị đưa ra các biện pháp, giải pháp, thời hạn thực hiện các nội dung chưa đạt được và những vấn đề khác có liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong phần thảo luận, các ý kiến tập trung đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp.
Những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới; sự cần thiết của hoạt động giám sát sau khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới.
T.V

Bình luận(0)