UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2023 - 2030. Trong đề án này, nổi bật lên chủ trương khuyến khích chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh (có cự ly dưới 100km) thành các tuyến xe buýt. Đây cũng là nội dung mà nhiều năm nay Bộ GTVT cũng như các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để quy hoạch, phát triển mạng lưới vận tải hành khách nhưng chưa có kết quả thống nhất, còn nhiều tranh cãi.
|
Xe buýt ở Quảng Ninh. |
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đưa ra đề án với mục đích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ xe buýt đến 2025 lên khoảng 3% và đến 2030 khoảng 6.5%;
Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để đạt tiêu chuẩn của xe buýt tại các đô thị lớn trong cả nước (như Hà Nội, TP HCM,...) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch;
Điều chỉnh mạng lưới xe buýt toàn tỉnh, đảm bảo các tuyến chính phủ kín các trục giao thông chính, kết nối các bến xe, các tuyến phụ kết nối đồng bộ với tuyến chính thông qua các điểm trung chuyển;
Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt chất lượng cao, sử dụng năng lượng xanh, hỗ trợ cho người dân sử dụng xe buýt theo Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
Ưu tiên quỹ đất để xây dựng hạ tầng xe buýt (bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, quay đầu, điểm trung chuyển).
Nguyên tắc phát triển của đề án được đặt ra là phải phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phải phù hợp phát triển của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường và cầu; Duy trì các tuyến hiện trạng, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ; Tiếp tục phát triển mạng lưới theo các tuyến trục trên các hướng có nhu cầu đi lại lớn làm trung tâm và phát triển các tuyến nhánh kết nối giữa tuyến trục với các khu vực khác; Phân cấp, phân loại tuyến rõ ràng (tuyến trục, tuyến gom, tuyến đi đến các điểm thu hút đặc thù như khu công nghiệp, khu du lịch, trường học...) làm cơ sở cho xây dựng mạng lưới. Xây dựng các hình thức chạy xe, sức chứa phương tiện phù hợp đặc điểm nhu cầu, điều kiện hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đến năm 2025, mở mới một số tuyến kết nối trung tâm đô thị lớn của các huyện, thị xã, thành phố. Đến năm 2030, hoàn thiện mạng lưới xe buýt đến trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Hình thành các điểm trung chuyển xe buýt trên hệ thống giao thông tĩnh hiện có (bến xe liên tỉnh, bãi đỗ xe, điểm đầu, điểm cuối,...) có từ 2 tuyến xe buýt trở lên.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh (có cự ly dưới 100km) thành các tuyến xe buýt.
Mở mới hoặc điều chỉnh các tuyến xe buýt để kết nối các khu đô thị, công nghiệp mới hình thành...
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh, phấn đấu đến 2030 toàn bộ xe buýt hoạt động tại các đô thị sử dụng điện, năng lượng xanh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: Xe khách phanh gấp suýt văng khỏi đường Vành đai 3: