Nhà điêu khắc Lê Duy Ứng: Ký ức sống mãi qua nghệ thuật

Google News

Đã gần 80, ông vẫn giữ vững tinh thần của một người lính, một người nghệ sĩ – chứng nhân lịch sử đã từng rong ruổi theo bước chân đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn mùa Xuân năm 1975.

Với đôi mắt từng mất đi ánh sáng, ông vẽ nên những tác phẩm để đời, lưu giữ ký ức hào hùng của dân tộc. Trong cuộc trò chuyện nhân dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông đã kể lại những ký ức không thể nào quên – về một lá cờ đỏ sao vàng, về những giọt nước mắt sau băng mắt, và cả đam mê cháy bỏng chưa bao giờ nguội tắt.
Nha dieu khac Le Duy Ung: Ky uc song mai qua nghe thuat
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Nhà điêu khắc Lê Duy Ứng
(Ảnh: Trương Linh – Khanh Lê)
Tự hào là chứng nhân lịch sử trong giai đoạn đặc biệt của đất nước
- Trong quãng thời gian tham gia cách mạng, kỷ niệm nào khiến ông xúc động nhất?
Tôi tự hào mình là một chứng nhân lịch sử trong giai đoạn đặc biệt của đất nước. Mùa Xuân năm 1975, tôi vinh dự được theo đoàn quân thần tốc từ Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết rồi tiến vào Sài Gòn – trong chiến dịch cuối cùng mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tôi ngồi trên xe tăng, vừa quay phim, vừa chụp hình, vừa ký họa. Có một hình ảnh mà tôi không bao giờ quên: giữa làn đạn mù mịt, một chiến sĩ cầm lá cờ Tổ quốc xông lên và bị trúng đạn. Tôi thấy anh ngã xuống ngay trước mũi súng quân thù. Ngay lập tức, một chiến sĩ phía sau lao lên, giật lấy lá cờ trên tay người đồng đội để nó không rơi xuống đất.
Hình ảnh đó khiến tôi vô cùng xúc động. Trong trang nhật ký đầu tiên, tôi viết: “Vinh quang thay những người dám hy sinh trước thềm thắng lợi.” Dù biết chắc rằng ngày mai đất nước sẽ toàn thắng, nhưng những người lính vẫn hô vang “Xung phong! Xung phong!” – người ngã xuống, người khác lại tiếp tục tiến lên. Đó là tinh thần bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sắp tới là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, nhớ lại những ngày tháng ấy, ông có cảm xúc gì đặc biệt?
Ngày đó tôi đang bị thương rất nặng, nằm điều trị tại Phan Thiết. Hai mắt bị băng kín, xung quanh là những thương binh khác. Bỗng có tiếng reo vang: “Sài Gòn giải phóng rồi!”. Mọi người ùa ra sân reo hò, xúc động vô cùng.
Tôi nghe thấy tất cả, nhưng lại không thể nhìn thấy gì. Là một họa sĩ, tôi chỉ ước rằng đôi mắt mình còn sáng để có thể vào Sài Gòn – ghi lại bằng ký họa hình ảnh người dân đón chào ngày thống nhất. Nước mắt tôi chảy ra ngay trong hai hốc mắt băng chặt ấy. 
Nha dieu khac Le Duy Ung: Ky uc song mai qua nghe thuat-Hinh-2
Nhà điêu khắc Lê Duy Ứng đang bên một tác phẩm ( Ảnh Trương Linh – Khanh Lê) 
- Ngoài bức vẽ nổi tiếng “Ánh sáng niềm tin con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” về Bác Hồ, ông còn tác phẩm nào tâm đắc về đề tài người lính, về ngày giải phóng miền Nam?
Năm 1984, khi đôi mắt đã được chữa sáng trở lại, tôi bắt tay thực hiện một bức điêu khắc từ… đường băng sân bay. Bức này dài 3,6m, rộng 1,2m, ra đời nhân kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam.
Tác phẩm tái hiện hình ảnh mùa Xuân 1975 – xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào Dinh Độc Lập, bên cạnh là cành mai mùa xuân và lá cờ đỏ sao vàng tung bay.
Chất liệu là hợp kim đường băng – rất cứng, khó tạo hình. Tôi phải dùng búa đục từng nét. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa từng nhận xét đây là một tác phẩm giá trị cả về bố cục lẫn chất liệu. Dịp kỷ niệm 50 năm năm nay, anh em cũng muốn đưa tác phẩm đi triển lãm nhưng rất khó vì… nó nặng quá.
Người nghệ sĩ – dù không còn ánh sáng – vẫn có thể thắp lửa trong trái tim mọi thế hệ
- Ngay cả khi đôi mắt mất đi ánh sáng, ông vẫn sáng tác. Thật khó để tưởng tượng một họa sĩ không nhìn được thì sáng tác thế nào, thưa ông?
Tất cả là nhờ đam mê. Tôi luôn nhớ lời Bác Hồ từng nói khi đến thăm Trường Âm nhạc Việt Nam: “Chú có biết chìa khoá để mở cánh cửa thành công là gì không? Đó chính là sự đam mê.”
Tôi học được ở Bác tinh thần ấy. Người làm nghệ thuật, làm điện ảnh, làm báo chí – nếu không có đam mê thì không thể làm đến nơi đến chốn. Nhờ đam mê, tôi sáng tác hàng loạt tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang, và các lãnh tụ như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Các Mác, Lênin…
Có lần giao lưu, tôi được yêu cầu vẽ chân dung Đức Thái Tổ Lê Lợi ngay trên sân khấu – tôi vẫn vẽ được. 
Câu nói tôi tâm đắc nhất của Bác là: “Thương binh tàn nhưng không phế.” Và tôi sống, sáng tác cũng bằng niềm tin ấy.
Nha dieu khac Le Duy Ung: Ky uc song mai qua nghe thuat-Hinh-3
Ngay cả khi đôi mắt mất đi ánh sáng, ông vẫn luôn sáng tác bằng cả tâm huyết 
- Hôm nay, để gửi gắm, nhắn nhủ một thông điệp sống tới thế hệ trẻ, ông muốn chia sẻ điều gì?
Khi đi giao lưu, tôi luôn chia sẻ một thông điệp: “Sức khoẻ dẻo dai – Rèn đức luyện tài – Miệt mài học tập – Vươn tới đỉnh cao khoa học kỹ thuật.” Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều cơ hội, hãy học tập và rèn luyện cả tài lẫn đức.
Tôi rất tâm đắc câu nói của Bác Hồ: “Con người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Mất một đức là không thành người.”
Muốn dựng xây đất nước, muốn Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, thì tuổi trẻ phải vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, có khát vọng lớn và lý tưởng đẹp.
Hành trình của tôi từ một người lính – nghệ sĩ ra trận, đến một họa sĩ “vẽ bằng cảm xúc”, rồi một người truyền cảm hứng cho lớp trẻ hôm nay, là minh chứng cho một chân lý: Ký ức sống mãi qua nghệ thuật, và người nghệ sĩ – dù không còn ánh sáng – vẫn có thể thắp lửa trong trái tim mọi thế hệ.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ! Kính chúc ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục sáng tác!
Khanh Lê – Trương Linh

>> xem thêm

Bình luận(0)