Một mình dấn thân vào sào huyệt ma tuý - Kỳ 2

Google News

Đêm ấy, tôi lại thức trắng ở nhà tên dẫn đường. Các tình huống đánh bắt ngày mai diễn ra trong óc, dự liệu đến những chi tiết nhỏ nhất. Sáng hôm sau, gã chủ nhà đi đâu rất sớm. Chừng một canh gà, gã quay về và nói: "Ông chủ bảo không đi Nghĩa Lộ đâu,

Thất bại vì... "tham"
Thay đổi địa điểm giao hàng vào phút chót luôn là bài kinh điển của dân buôn ma tuý. Giờ này chắc "nhà" đã hành quân rồng rắn vào đến Nghĩa Lộ. Tôi tỏ vẻ cáu, bảo phải ra bưu điện gọi cho bà chị. Gã chủ cùng thằng em trai ốp tôi ra bưu điện, vẫn bài đứng bên cạnh nghe xem tôi nói gì.
Mot minh dan than vao sao huyet ma tuy - Ky 2
Hai đối tượng phạm tội buôn bán ma túy bị bắt thời gian gần đây. 
Thời khắc chậm chạp nhích, xế trưa tôi bảo gã cho tôi ra đường đón bà chị. Gần hai giờ chiều, chiếc xe Mitsubishi quen thuộc đã lắp sang biển trắng xuất hiện, cùng một đám "xe ôm, cửu vạn" đi xe Minsk rồng rắn đến nơi.
Trao đổi thật nhanh, có một người xuống ôtô, xách bọc tiền sang xe ôm đi cùng tôi. Ba giờ chiều, gã chủ báo sẽ giao hàng ở một nhà dân ven đường. Chúng tôi bước vào gian bếp ẩm thấp. Gã chủ bảo cho xem tiền rồi ra ngoài vườn nói gì với ai đó. Lát sau, có một nam thanh niên nom bặm trợn bước vào với cái bao trên tay. Thuốc phiện, năm ki-lô-gam.
Việc giao dịch chuẩn bị diễn ra, tôi đội mũ lên đầu, định bước ra sân bật lửa châm thuốc hút, bất chợt gã chủ bảo: "Tôi còn mười ki-lô-gam nữa, nếu mang theo tiền thì lấy luôn". Trăm cái dại, tại cái tham, tôi bảo gã mang cả về đây mua một thể. Đang chờ, bên ngoài chợt lao xao, có tiếng quát: "Mi công an"! (có công an). Gã chủ vùng lên, giật bao tải lao vụt vào trong rừng trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Bước chân trĩu nặng rời Tú Lệ. Xuống đến Nghĩa Lộ, tình huống được làm rõ. Nhưng cuộc ấy không thành. Sau này khi bắt lại nhóm tội phạm trên, chúng khai thằng em có vai trò cảnh giới cho giao dịch của chúng tôi.
Tôi len lén tránh cái nhìn của sếp. Ông chỉ mắng: "Mày tham quá!".
Vượt ngàn tìm phạm
Để cả chuyến đi tốn kém nhân lực, vật lực bị "xôi hỏng, bỏng không" là lỗi của tôi. Cảm giác dằn vặt bủa vây tôi hàng tuần liền. Sếp động viên: "Thua keo này, bày keo khác, cái chính là anh em đừng quá cầu toàn. Quan trọng là bắt quả tang được đối tượng với số "hàng" đủ định lượng để truy tố". Anh em đùa phải chọn thằng khác "đang vào cầu, tay son" (nghĩa là đang gặp nhiều may mắn) để "mở hàng", còn tôi bị chê là "đen".
Lúc này, tin trinh sát báo về đã phát hiện thêm một đối tượng chuyên gom thuốc phiện từ Sơn La về Yên Bái để phân phối đi các nơi. Trước đó, Công an huyện Trạm Tấu đã bắt Thào A S, một gã người Mông, khi đang vận chuyển mấy lạng thuốc phiện. Tổ công tác cử cán bộ phối hợp hỏi cung mở rộng vụ án.
Nhiều nguồn tin đã chụm, cho phép xác định Giàng A Chu ở xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Lệnh bắt khẩn cấp Chu được Trung tá Bùi Duy Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra, nay là Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Yên Bái ký. Buổi sáng chủ nhật ấy, anh Hoàng Loạn - Đội phó Đội Trọng án dẫn chục anh em chúng tôi hành quân lên núi. 
Tà Si Láng là xã xa nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trên dãy núi Tà Cơn có độ cao hơn hai nghìn mét, quanh năm mây phủ, dù là ngày nắng nhất. Dân cư nơi đây trăm phần trăm là người Mông. Đường vào xã bị chia cắt bởi vực sâu thăm thẳm và vách đá tai bèo dựng đứng. Vào đầu những năm 2000, lên Tà Si Láng chỉ có một "cửa" là cuốc bộ. Có việc phải lên vùng này là nỗi "kinh hoàng" của dân xuôi, vì đỉnh non mờ mờ trong mây ngay trước mắt, nhưng để leo lên đến nơi cũng mất trọn một ngày vượt dốc.
Tiếng là hình sự miền sơn cước, nhưng chưa ai trong số chúng tôi từng lên Tà Si Láng, thế nên khi xuất phát, chẳng anh nào mang theo đồ ăn, nước uống, vì ngại nặng. Mỗi người chỉ toòng teng chai nước đút túi quần và cái bánh mỳ con, súng thì lắp đầy đạn. Đương nhiên rồi.
Cựu Cảnh sát hình sự Đào Trung Hiếu, Hieubaocand
Bấy giờ đã vào tháng tư - mùa hạ, trời nắng thiêu đốt, cỏ gianh bên đường mòn héo quắt queo, hơi nóng từ đá hất lên hầm hập. Mới rời ôtô đi được vài tầm quăng dao mà nước và bánh mỳ đã hết veo.
Dốc lên hun hút, dốc chồng lên dốc, không có chỗ phẳng tương đối nào khả dĩ ngồi cho đỡ chùn gối, cuồng chân. Trời xanh ngằn ngặt, đi hàng chục cây số đường dốc, không có lấy một bóng cây trú nắng. Rặt đồi trọc, đá gan gà vàng đến nhức mắt.
Xế trưa, mặt anh em nhợt nhạt cả đi vì đói và khát. Gió nóng từ thung lũng quật ràn rạt vào mặt. Chúng tôi ngồi bệt nghỉ tại chỗ, nhổ gốc cỏ gianh bên đường mòn, bóc lấy nõn nhai cho có cảm giác nước. Lại một thôi đường nữa, tầm một giờ chiều thì đến cửa rừng.
Gọi là rừng nhưng toàn cây tạp nham, lau sậy. Để vào được vùng có gỗ pơ mu, phải mất chừng ba ngày đi không nghỉ. Anh em nằm vật xuống cỏ. Trong rừng có nhiều ngã rẽ, dân sơn tràng xẻ trộm gỗ đã đi thành lối mòn. Đi đường nào? Chưa ai biết nhà, biết mặt đối tượng. Thông tin chỉ vỏn vẹn: Chu nhà ở thôn Bãi Chè.
Chờ khoảng ba mươi phút, có hai thanh niên vác gỗ pơ mu trong rừng đi ra. Anh em xúm vào hỏi thăm đường, họ nói có hai thôn là Bãi Chè Thấp và Bãi Chè Cao, các anh hỏi thôn nào? Để đến thôn gần nhất cũng mất ba, bốn tiếng cuốc bộ nữa. Còn thôn xa, nếu đi xuyên đêm thì sáng ra mới đến nơi. Những ánh mắt nhìn nhau ngao ngán. Phần vì đói, khát và mệt, phần vì chưa biết sẽ đi đường nào.
Số lính trẻ bàn lùi: "Về thôi anh, bắt sau vậy". Không khí giã đám trùm lên, trong hoàn cảnh ấy ai mà chẳng có phần nao núng. Đi cố thì cũng được, nhưng đói và khát thì lấy đâu sức để đi. Tổ trưởng Loạn nín lặng, hồi lâu hỏi từng người: "Đi hay quay về?". Đa số bảo về.
Đến lượt tôi, cũng rất muốn về, nhưng lại tiếc cái công leo từ tờ mờ sáng đến giờ. Tôi bàn: "Hay cứ đi vào thôn gần nhất, nếu không có nó thì xin ngủ nhờ một đêm cho lại sức, mai leo tiếp, đằng nào cũng không đủ sức quay ra". Xem chừng anh em cũng chung suy nghĩ nên uể oải đứng dậy, lếch thếch kéo nhau đi sâu vào rừng.
Nắng tắt, chúng tôi ra khỏi rừng, trước mắt là cái thung lũng giữa các khe núi, thấy có cuộn khói bếp bốc lên sau nương ngô đang trổ bắp. Anh em mừng húm, chẳng ai bảo ai cuộn chân mà chạy xuống chỗ có khói. Qua nương ngô, một xóm nghèo người Mông hiện ra, lúp xúp mấy ngôi nhà lợp ván thông, tường trình, đàn lợn con thả rông đang thơ thẩn giũi đất quanh nhà.
Cả bọn lao đến máng nước đầy rêu, cung quăng, bọ gậy ở trước sân, vục mặt uống. Cơn khát đã hành hạ họ từ bảy giờ sáng đến giờ, nên không cần biết có cái gì trong nước. Đã khát, chúng tôi quan sát trong thôn chỉ có một ngôi nhà mở cửa liền kéo đến xem có gì ăn để mua.
Ngôi nhà đất thấp lè tè, trước cửa thấy trói con lợn con, xem chừng như sắp chọc tiết. Chủ nhà là một anh chàng người Mông chừng hai mươi lăm tuổi, mắt xếch. Anh em giới thiệu là Kiểm lâm đi kiểm tra rừng, nên anh ta vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Mua hai con gà, chúng tôi nhờ anh ta mổ ngay. Thời gian đợi luộc gà chao ôi là lâu. Xong, cả bọn bốc bải, loáng cái đĩa lớn, đĩa nhỏ đã hết veo.
(Còn nữa)
Theo CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)