Mạo hiểm với nghề “săn cọp biển” giữa trùng khơi

Google News

Nhiều ngư dân chọn cách mưu sinh bằng nghề "săn cọp biển" bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác. Thậm chí, chỉ cần sơ ý cũng có thể bị loài cá dữ tấn công.


Nhiều hộ dân ở phường Phước Hội, thị xã LaGi (Bình Thuận) đã chọn cho mình cuộc sống lênh đênh trên những con tàu, ăn gió đạp sóng ngang dọc giữa biển khơi mênh mông để săn cá mập. Những cuộc chiến không cân sức với loài cá dữ được mệnh danh là "cọp biển" luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Không ít người đã ăn nên làm ra nhờ nghề săn cá mập, song cũng nhiều ngư dân đã mãi mãi không trở về. Dẫu biết vậy, nhưng nghề săn cá mập vẫn được các ngư dân bám biển gìn giữ và phát triển.

Phận mong manh như... "săn cọp biển"

Từ TP.HCM vượt hơn 160km, chúng tôi đã đến được với làng săn cá mập nằm hiền hòa gần cảng cá LaGi, thuộc khu phố 3 và 4, phường Phước Hội, TX.La Gi. Hầu hết người dân ở đây dường như không ai biết nghề săn cá mập có tự bao giờ. Tuy nhiên, theo những ngư dân cao tuổi ở địa phương, gần 100 năm nay, cứ vào mùa trăng từ tháng ba đến tháng bảy âm lịch, các ngư dân lại đưa thuyền ra khơi câu cá mập. Thuở đó, làng có đến hàng trăm hộ dân chọn nghề săn cá mập để kiếm sống.

Ngư dân phường Phước Hội, TX.La Gi (Bình Thuận) chuẩn bị đưa tàu ra khơi.

Ông Trần Ngọc Huỳnh, một ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm trong việc săn cá mập ở phường Phước Hội bày tỏ: "Săn cá mập là một nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro, nhưng lại được ngư dân ở đây xem như một nghề bình thường như bao nghề khác. Bởi lẽ, nguồn lợi mà từ nghề săn cá mập mang lại khá cao, nhất là vi cá mập, mỗi lần trúng mánh, chủ thuyền có thể kiếm hàng tỷ đồng.

Những đêm biển động dữ dội, giông bão ập đến, các ngư dân không kịp trở tay, họ đành phó mặc cho con tàu bị sóng nước quăng quật. Nhiều ngư dân xấu số bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác. Thậm chí, chỉ cần sơ ý hay lơ là, ngư dân cũng có thể bị cụt chân, cụt tay, bởi sự "trả đũa" của hàm răng sắc nhọn và sức mạnh của "cọp biển". Mỗi lần như thế, làng chài ở Phước Hội này lại dấy lên những nỗi buồn, những giọt nước mắt tiếc thương cho những ngư dân xấu số.

Không đơn thuần trong việc đối diện những cơn sóng dữ của trùng khơi, những người chọn cách mưu sinh bằng nghề săn cá mập thường xuyên đối diện với sự vây bắt của lực lượng bảo vệ biển, vì đã vô tình xâm phạm vào lãnh hải của các nước bạn. Trăn trở về điều này, anh Đỗ Minh Thông, cán bộ phụ trách thủy hải sản ở phường Phước Hội chia sẻ: "Vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng ở phường Phước Hội đã có hàng chục tàu bị lực lượng bảo vệ biển của Malaysia, Indonesia và Thái Lan bắt giam và xử lý. Trước khi đi biển, ngư dân đã được các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo, thậm chí tham gia các lớp tập huấn về việc không được xâm lấn lãnh hải của nước bạn, nhưng do "say" cá một số ít ngư dânđã quên đi những điều cấm kị trong nghề chài lưới.

Theo các ngư dân ở làng chài Phước Hội, ngư dân nào chỉ cần xâm phạm lãnh hải nước bạn vài lần thôi cũng đủ để tan gia bại sản rồi. Tại làng chài Phước Hội, nhiều ngư dân đã trắng tay vì tàu bị tịch thu. Chỉ vì ham săn bắt cá mập, nhiều ngư dân đã bị các lực lượng bảo vệ vùng biển của Malaysia, Indonesia và Thái Lan bắt, tịch thu. Mỗi chiếc tàu có giá trị cả tỉ đồng. Vì những lí do đó, làng chài ở Phước Hội cũng mất dần những tay câu cá mập đẳng cấp.

"Trước đây, làng biển ở LaGi đều có đội quân đi câu cá mập với hàng chục thuyền lớn nhỏ khác nhau, nay chỉ còn chừng mươi hộ. Vì nghề này, anh em phải xa nhà cả tháng trời, suốt ngày lênh đênh giữa biển khơi, thậm chí còn ra tận vùng giáp ranh với Thái Lan, Malaysia, Indonesia nữa. Nhiều ngư dân bị bắt 1-2 lần là cụt vốn ngay, đâm ra nợ nần nên chán rồi bỏ nghề. Còn tôi, từ hồi còn nhỏ đã theo cha đi biển, được cha truyền nghề cho nên không bỏ được. Tôi mà bỏ thì nhớ biển lắm", ông Phan Ngọc Long tâm sự.

Cuộc chiến cam go với "cọp biển"

Nhiều năm về trước, ngư dân ở làng Phước Hội vượt trùng dương đi săn cá mập không có la bàn, định vị; họ chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian do cha ông truyền lại. Cứ như vậy, ông dạy cháu, bố dạy con cách làm cần câu cá mập. Ông Trần Ngọc Huỳnh nhìn theo những con thuyền đang thong dong ngoài biển lớn nhớ lại: "Năm 15 tuổi, tôi đã theo cha ngang dọc biển khơi. Quanh năm suốt tháng, tôi sống trong tiếng sóng vỗ ầm ầm và bóng đen của màn đêm, nghe tiếng trưởng đoàn hăng hái chỉ huy gần chục thợ săn khỏe mạnh nhanh chóng lắp mồi chuẩn bị cho giờ câu. Những đoạn dây dù to bằng ngón chân dài 50km được lắp hàng ngàn lưỡi câu sắc bén luôn hiển hiện trong trí nhớ của tôi. Mỗi đoạn dây cứ dài chừng 20m sẽ được lắp một lưỡi câu, do đó, phải mất gần ba tiếng đồng hồ, các tay thợ săn cá mập lão luyện mới phủ được lưỡi câu cho một vùng biển dài".

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề săn cá mập, ông Phan Ngọc Long thuộc từng đường biển, con nước cũng như nơi trú ngụ, di cư của loài cá hung dữ này. Mỗi lần đối diện với cá mập là mỗi lần có thêm những bài học quý trong nghề "săn cọp biển". Nói về điều này, ông Long chia sẻ: "Cứ vào nửa đêm, cá mập sẽ mắc câu. Để thu phục cá mập, trưởng đoàn sẽ ra lệnh tắt tất cả đèn pha đang rọi xuống mặt biển. Những bàn tay gân guốc, khỏe mạnh của các thợ săn liên tục quay phanh, dãn dây câu vừa kéo vừa thả để vờn nhau với "cọp biển" đang mắc câu".

Trong tiếng sóng biển, giọng người chỉ huy vang lên, ra hiệu cảnh giác anh em cẩn thận. Gió biển lồng lộng, bóng đen bao trùm, 10 tay thợ ra ra sức, miệng cùng hô khẩu hiệu: "Kéo! Kéo!". Cứ như thế, cá mập bị vùi xuống sâu, rồi lại trồi lên khỏi mặt nước làm khuấy động cả một vùng biển. Cả đoàn người phải trao mình lượn sóng theo những đợt quẫy của loài cá dữ. Phải mất khoảng năm tiếng đồng hồ, các tay thợ săn mới thu phục được "cọp biển". Lúc đó, anh em đã mệt lử, người vã mồ hôi và không ai dám chợp mắt, chỉ nhìn về phía trước. Dù là dân biển cả nhưng chưa bao giờ các ngư dân hết căng thẳng mỗi lần chiến đấu với cá mập. 

Tuy nhiên, đó chỉ là "cọp biển" nhỏ, dễ thu phục. Đối với những "cọp biển" hung dữ, nặng tới 2-3 tạ, đó là một cuộc chiến cam go giữa các tay thợ và loài cá dữ. Ông Phan Ngọc Long cho biết thêm: "Có nhiều lần, cá mập chỉ còn cách xa tàu chừng 15 thước, chúng ngửi thấy mùi người là lồng lộn lên. Chưa kể tình huống con mập bị tuột triêng, anh em dù đông đến cỡ nào cũng khó có thể thắng nổi sức mạnh của "cọp biển". Khi đó, cả đoàn chỉ biết nhìn "cọp biển" vùng vẫy lao ra biển khơi. Những chiếc lưỡi câu cũng dãn ra mà lao theo vun vút xuống mặt biển rồi lặn mất cùng con mập.

Phải nói rằng, cuộc chiến giữa người và cá mập chưa bao giờ căng thẳng đến thế. Ngày nay, với sự hiện đại của khoa học và kĩ thuật, các ngư dân không còn áp dụng kiểu câu tay, mà thay vào đó là những dàn máy câu trị giá hàng chục triệu đồng. Ngư dân không còn mất nhiều sức lực như nhiều năm về trước. "Đối với con mập nhỏ, tay thợ chỉ cần ấn máy tời là kéo lên khoang. Còn với con mập lớn, chỉ cần những chiêu vờn qua lại trong vài tiếng đến khi cá mập mất máu, mệt lử, ngư dân sẽ nhanh tay hành động, thu phục chúng.   

 Mai một nghề săn cá mập

Anh Đỗ Minh Thông bày tỏ: "Trước đây, những làng biển ở Phước Hội có hàng chục đội câu cá mập. Thế nhưng, đến nay, cả làng chỉ còn khoảng chục hộ. Bởi lẽ, biển bây giờ không giống như ngày trước, lượng cá mập ít hơn. Để câu được những con cá mập nặng hàng trăm kg là một thử thách rất lớn. Các ngư dân phải ra tận khơi xa, đến các vùng giáp ranh với lãnh hải của một số nước trong khu vực. Nhiều ngư dân thấy cực khổ, liên tục đối mặt với nguy hiểm nên bỏ nghề dần. Số còn lại phải kết hợp với câu cá ngừ, cá thu để tăng thêm thu nhập".

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)