Tại các điểm đón khách này, nhà xe thường bố trí một lực lượng bảo kê hùng hậu đi gom khách. Đội quân này hoạt động rất mạnh và khó “khoan” thủng, nếu không phải là xe đã móc nối từ trước.
Rải bảo kê dọc đường
Trên chuyến xe 53S- 44xx, lộ trình từ bến xe miền Tây đi Cái Bè (Tiền Giang), PV ghi nhận được tình trạng nhà xe móc nối với lực lượng xe ôm, người bảo kê đón khách dọc đường, đoạn từ bến xe miền Tây tới đường dẫn vào cao tốc (cầu vượt Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh). Khi xe vừa ra khỏi cổng bến xe miền Tây là ngay lập tức, phía dưới có một thanh niên đứng trên xe rao: “Long An, Tiền Giang không?”.
Cứ thế, người này gặp ai cũng chỉ hỏi và liên tục văng tục khi không có khách lên xe. Thanh niên này nhìn khá bặm trợn với những hình xăm trổ đầy mình. Theo quan sát của PV, khi thấy xe vẫn còn trống khá nhiều ghế ở phía sau, nhà xe lăn bánh “từ tốn” để né cảnh sát giao thông. Trong khi nữ tiếp viên đeo thẻ ngồi trên xe quan sát và phụ mời khách thì người thanh niên đứng ngay cửa lên xuống ngó nghiêng mời chào liên tục.
|
(Ảnh minh họa: VnExpress). |
Chạy đến gần trạm thu phí cũ (gần bệnh viện Triều An trên đường Kinh Dương Vương), xe dừng lại. Lập tức một người đàn ông trung niên đẩy hai vị khách lên xe. Như một thói quen định sẵn, lơ xe liền móc túi đưa 20 ngàn đồng cho người đàn ông dắt khách kia. Vừa đưa tiền, lơ xe hỏi: “Xe thằng T. qua lâu chưa?”. Người đàn ông đáp: “15 phút rồi, thả từ từ đi. Có khách chắc nó cũng hốt rồi”.
Đây là cảnh báo của người đứng bảo kê cho nhà xe biết rằng, đã có xe cùng tuyến chạy trước. Theo tìm hiểu của PV, nghề chính của người đàn ông dắt khách là chở xe ôm. Ngoài ra, ông ta còn kiêm việc bảo kê, đón khách cho xe 53S-44xx và nhiều xe của các tuyến khác. Khi khách ra khu vực này đón xe, người đàn ông này có trách nhiệm chèo kéo và đưa khách lên xe. Tuy nhiên, ông này chỉ “làm việc” với các nhà xe “ruột”. Nếu không phải các nhà xe đã “hợp đồng” ăn chia trước thì không có xe nào có thể đón được các khách nói trên và đương nhiên bất cứ xe nào đi ngang, mời chào, ngay lập tức nhận được cái khoát tay của người đàn ông này.
Theo giới chạy xe khách, “quyền” của dân bảo kê khiến các nhà xe khiếp sợ, bởi khi đã có “mốc” nhà xe khác đứng, nếu có xe nào liều lĩnh tấp vào thì ngay lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt từ người lái xe ôm kiêm bảo kê này. Việc của anh ta là ngăn cản không cho khách lên xe. Thậm chí, hễ ai lơ ngơ còn có thể bị “ăn đòn”.
Ông V., người chạy xe ôm gần đó cho biết, người đàn ông tên H. là bảo kê khu này. Hễ có ai ra đón xe, dù đã đặt trước, nhà xe nào ghé vào rước cũng phải đóng tiền công đón khách cho ông ta, mỗi khách là 10 ngàn đồng. Còn khách mà không đặt vé thì đương nhiên, ông ta sẽ chọn xe thuộc các nhà xe đã móc nối để ăn chia, dù khách có muốn hay không.
Giở thói côn đồ
“Có trường hợp khách không đồng ý đi xe đó vì nó quá cũ kỹ nhưng vẫn bị đẩy lên. Thế là hai bên xô xát rồi đánh nhau. Ở khu này, không ai dám tranh giành với ông H. về việc đón khách cả”, ông V. nói.
Tương tự, đoạn từ bến xe cho tới bệnh viện Triều An có rất nhiều người của các nhà xe đứng tại đây đón khách. Theo đó, những người này chạy xe trên vỉa hè và hỏi khách đi đâu? Khi biết khách có nhu cầu đi xe thì ngay lập tức, đội quân cò mồi này phải ép khách lên xe của mình bằng mọi giá.
Chiêu được các bảo kê sử dụng nhiều nhất chính là rao giá rẻ. Mới đầu, bảo kê thường ra giá rất rẻ để khách đồng ý lên xe. Sau khi xe đã chạy rồi thì bị “chém đẹp”. Bà Nguyễn Thị L. (ngụ Tiền Giang) cho biết: “Khi đang đứng đón xe thì có một thanh niên tới hỏi về đâu, tôi nói về Cai Lậy, người này nói, giá 50 ngàn đồng, tôi đồng ý. Thế nhưng, sau đó khi lên xe, tiếp viên lại nói, giá là 100 ngàn đồng. Tôi thắc mắc, sao anh kia nói có 50 ngàn đồng, thì người này quát “ai nói, ở đâu?”.
“Người này còn nói ngang ngược: “Trên xe này chỉ tui là tiếp viên và lái xe trên kia, có ai nói giá với bà đâu, đưa tiền đây nhanh lên”. Tôi đáp “nếu không đúng 50 ngàn đồng thì cho tui xuống, ai lại tráo trở như thế”. Ngay lập tức, thanh niên này giở giọng côn đồ: “Làm gì có chuyện đi xe rồi không thích là xuống. Muốn xuống thì đưa 50 ngàn đồng, còn không thì ngồi yên đấy và đưa 100 ngàn đi”. Không còn cách nào khác, tôi đành phải đưa 50 ngàn đồng và quay lại bến xe mua vé với giá chưa đến 40 ngàn đồng cho lộ trình của mình”, bà L. bức xúc kể.
Tuy nhiên tình trạng này còn “ác liệt hơn” đối với những xe không đi đường cao tốc bởi đi cung đường QL1A giờ là lựa chọn của những xe cũ, cần bắt thêm khách dọc đường. Trên cung đường này, hầu hết các nhà xe đều móc nối với cánh xe ôm, hoặc người ở các điểm đón khách giùm, chủ yếu là những quán tạp hóa, quán nước ven đường. Đương nhiên, khi có khách, nhà xe phải chi từ 5 đến 10 ngàn đồng/khách, tùy chặng đường dài hay ngắn.
Vì miếng bánh quá béo bở nên lực lượng bảo kê ngày một xuất hiện đông đảo, nhiều điểm nóng đông khách, các đối tượng “chăm sóc” xe khách này phải cạnh tranh khốc liệt, đã có những vụ thanh trừng đẫm máu xảy ra. Ông Nguyễn Thanh T., chạy xe ôm ở khu vực cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: “Hôm trước tôi chở khách ra đón xe đi về Kiên Giang, thì ngay lập tức có hai người lao đến và giành khách. Sau khi lời qua tiếng lại thì hai bên xô xát và đánh nhau. Họ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, thậm chí là dùng hung khí đánh nhau. Chỉ đến khi người dân phải gọi công an.phường đến thì họ mới thôi”.
Chiêu trò của các nhà xe
Theo phản ánh của hành khách, một số nhà xe, thường là các xe không chọn cao tốc TP.HCM – Trung Lương làm lộ trình vì phải đóng phí, thay vào đó họ thường đi theo QL1A để đón khách, sử dụng chiêu trò đề nghị hành khách “hỗ trợ”, “ủng hộ”, “cho tiền đi cao tốc về cho nhanh”… Dù nói là “cho”, hay “hỗ trợ” nhưng họ yêu cầu mỗi người 3 ngàn hoặc 4 ngàn đồng, tùy xe. Thực tế, một xe đi hết cao tốc TP.HCM – Trung Lương chưa đầy 100 ngàn đồng tiền phí, nhưng có khi họ thu được tới 200 ngàn đồng (loại 50 chỗ). Trong khi đó, thực tế nhà xe phải có trách nhiệm nộp loại phí này.
Bộ Công an chỉ đạo tấn công “điểm nóng” tội phạm ở bến xe, nhà ga
Ngày 18/11, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an đã có điện gửi Thủ trưởng các Tổng cục, bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong đó, Bộ nhấn mạnh tình hình hoạt động của các loại tội phạm, các băng, ổ nhóm đối tượng hình sự tại một số bến xe, bến tàu, nhà ga và trên các tuyến giao thông để trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản đang gây lo lắng, bất an trong nhân dân.
Do đó, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; tổ chức các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm ở nhà ga, bến xe, bến tàu và trên các tuyến giao thông.
Tiếp tục triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là các băng, ổ nhóm, đối tượng hoạt động phạm tội hình sự, tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, truy quét các đối tượng “cò” ở bến xe, bến tàu, nhà ga và trên các tuyến giao thông.