Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cho biết cơ quan này đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Algeria đề nghị can thiệp yêu cầu công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) chấm dứt ngay hành động bạo lực đối với lao động Việt Nam.
Trước việc hai lao động Việt Nam tại Algeria là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung dẫn đến những chấn thương cho hai lao động trên, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Algeria ngày 7/10, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Vũ Thế Hiệp cho biết tình hình của lao động Việt Nam hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này đã tạm thời ổn định, không còn tái diễn xung đột.
|
Đại sứ Vũ Thế Hiệp. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+) |
Các lao động Việt Nam còn lại đã trở lại làm việc bình thường.
Hai lao động Việt Nam bị nhà thầu Trung Quốc hành hung là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường bị đánh thương nặng trong vụ việc trên sẽ được đưa về nước trong thời gian sớm nhất.
Về số lao động còn lại, đại diện phía công ty của tuyển lao động Việt Nam là Simco Sông Đà đang làm việc với phía sử dụng lao động là công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại Algeria cũng như lao động Việt Nam để giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động Việt Nam.
Đại sứ Vũ Thế Hiệp cho biết thêm, đại diện công ty Simco Sông Đà đã làm việc với đối tác Trung Quốc và các lao động Việt Nam, theo đó phía Trung Quốc cam kết sẽ không sử dụng vũ lực, đồng ý chuyển cho lao động Việt Nam sang làm việc tại các công trường khác.
Tuy nhiên, do người lao động đang trong tình trạng tâm lý lo sợ bị đàn áp nên không chấp nhận, cho rằng ở đâu cũng là chủ Trung Quốc nên cũng sẽ bị cư xử như trước đây.
Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã mời các đại diện của công ty Simco Sông Đà được cử sang Algeria để giải quyết vụ việc và phía đối tác Trung Quốc đến làm việc.
Tại buổi làm việc này, các bên đã đưa ra một số giải pháp nhằm ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em lao động, như đề nghị phía công ty Trung Quốc có cam kết bằng văn bản không được đe dọa hoặc dùng vũ lực, đối xử bình đẳng và công bằng, đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam; các bên đàm phán lại định mức cho phù hợp có thể chấp nhận được giữa các bên; chuẩn bị khả năng đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại một công trường khác; đưa hai lao động bị thương là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường về nước trong thời gian sớm nhất.
Về công tác bảo hộ công dân, Đại sứ Vũ Thế Hiệp cho biết ngay khi nhận được thông tin vào ngày 16/9 từ phía công nhân Việt Nam thông báo bị nhà thầu Trung Quốc hành hung, Đại sứ quán Việt Nam đã trực tiếp vào cuộc, luôn theo dõi sát sao tình hình, cử cán bộ lãnh sự liên lạc 24/24 giờ với lao động Việt Nam, đồng thời thông báo ngay cho các cơ quan liên quan trong nước như Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và phía công ty cử tuyển lao động Việt Nam là Simco Sông Đà để có biện pháp cùng với sứ quán xử lý vụ việc.
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã cử đoàn cán bộ đến động viên, thăm hỏi anh em và nắm tình hình, cũng như làm rõ nguyên nhân vụ việc nhằm đảm bảo tính mạng, an ninh và an toàn và quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam theo đúng các nội dung của hợp đồng đã ký kết.
Đại sứ Vũ Thế Hiệp khẳng định việc đưa lao động Việt Nam ở Algeria cho nhà thầu của nước thứ ba trong đó có Trung Quốc và nhà thầu của Algeria là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sứ quán Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về đưa lao động Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài.
Trên thực tế, về cơ bản, điều kiện lao động, chế độ lương đối với công nhân ta hiện ở Algeria là tương đối tốt. Tuy nhiên, do phải làm việc cho nhà thầu thứ ba nên việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công nhân Việt Nam, trong đó có vấn đề về an ninh và an toàn tính mạng, khó tránh khỏi những hạn chế.
Những khó khăn này, sứ quán đã thông tin rất chi tiết cho các cơ quan quả lý có liên quan ở trong nước cũng như các công ty tuyển cử lao động để có biện pháp khắc phục.
Riêng đối với lao động Việt Nam đang làm việc tại Algeria, cũng như những lao động Việt Nam có ý định sang làm việc tại Algeria và các quốc gia Bắc Phi Hồi giáo nói chung, sứ quán Việt Nam tại Algeria có những khuyến nghị sau: Các lao động Việt Nam phải phải nắm vững văn hóa, phong tục tập quán của nước sở tại cụ thể là văn hóa Hồi giáo, cũng như là những điều kiện an ninh (do tình hình khủng bố tại Algeria); Các lao động khi ký hợp đồng lao động phải nắm rõ những nội dung của hợp đồng lao động mà mình ký với công ty cử tuyển của Việt Nam, đặc biệt là phải yêu cầu phía công ty cử tuyển và phía sử dụng lao động phải đảm bảo an ninh và an toàn tính mạng cũng như các quyền lợi chính đáng (lương, điều kiện lao động, bảo hiểm y tế, giấy phép cư trú, giấy phép lao động) nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.
Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria mong muốn các lao động Việt Nam thường xuyên liên lạc trực tiếp với sứ quán để phản ánh tình hình thực tế nhằm giúp sứ quán có thông tin chuẩn xác để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo hộ công dân.