|
Ảnh minh họa. |
GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học cho biết, một thực trạng là các tỉnh thường ký hợp đồng nghiên cứu với các nhà khoa học ở trung ương. Việc ký này thường vô cùng hình thức, nhiều khi chỉ cần ký hợp đồng, không cần nghiên cứu, nhà khoa học cũng có thể được hưởng 60% giá trị hợp đồng, còn địa phương hưởng 40%. Vì chỉ cần có hợp đồng này là thanh quyết toán được, không cần biết đó là đề tài nghiên cứu cái gì, kết quả ra sao.
Hệ quả là nhiều khi các đề tài có cùng một nội dung, năm nay nghiên cứu sang năm lại nghiên cứu tiếp, tỉnh này đã nghiên cứu rồi, tỉnh kia cũng vẫn nghiên cứu lại... Nhìn trên giấy tờ thì có thể thấy sự lãng phí khủng khiếp. Đề tài chất lượng kém, trùng lặp, đầy rẫy. Chính ông cũng đã từng bị địa phương "gạ gẫm" để ký hợp đồng kiểu này, nhưng ông không đồng ý.
GS.TSKH Ngô Việt Trung cũng cho biết, nhiều khi để khách quan, địa phương cũng thực hiện đấu thầu nhiệm vụ khoa học. Nhưng thường thì người gửi đề tài đó đã thống nhất từ trước rồi, nên dù có đấu thầu thì đề tài đó vẫn là tác giả đó thực hiện. Thế là tác giả này tìm cách ký kết với nhà khoa học nào đó để hợp thức hóa. Không cần phải làm gì cả, hai bên cùng có lợi. Điều này gây ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Mới đây, chính Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã khẳng định, kinh phí từ ngân sách nhà nước mặc dù rất ít ỏi, nhưng đang bị dàn trải và phân bổ không hợp lý. Có đến gần 90% ngân sách cho KH&CN là dành cho chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, tức là chi lương và hoạt động bộ máy của hệ thống hơn 1.000 tổ chức KH&CN công lập từ Trung ương đến địa phương và gần 100.000 cán bộ biên chế trong các đơn vị này. Chỉ có khoảng trên 10% của 2% tổng chi ngân sách là thực sự dành cho hoạt động nghiên cứu và triển khai.
Nếu cứ thế này, đến bao giờ khoa học nước nhà mới phát triển được?