Mâu thuẫn vì cân gian thịt chó
Anh Nguyễn Trọng Hòng 45 tuổi, quê gốc Thanh Hóa, ngụ tại thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương, là người chuyên nhập chó sống từ Campuchia về, tập kết ở Kiên Giang và vận chuyển về Bình Dương tiêu thụ. Cứ 4 ngày, anh nhập về chừng 1,5 tấn. Một nửa anh giết mổ, bỏ mối cho hệ thống quán thịt chó chừng hơn chục quán ở thị xã, gọi là “chó móc hàm”. Nửa còn lại, vợ chồng anh bỏ mối cho các lò mổ khác.
|
Nạn nhân Nguyễn Trọng Hòng với vết thương ở đầu. |
Trong số bạn hàng, có anh Nguyễn Văn Tú, trước đây là người cùng làng, học cùng trường. Anh Tú cũng là đại lý lớn nhất nhì thị xã Thuận An, chuyên cung cấp “chó móc hàm” cho các quán thịt chó tại khu vực này. Hai bên bắt đầu làm ăn từ đầu năm 2015, anh Hòng nhập chó sống cho anh Tú, giá mỗi tấn thịt chó là 62 triệu đồng, mỗi lần cân lại chia ra làm nhiều đợt, gọi là “mã hàng”.
Đến giữa tháng 6/2015, anh Hòng phát hiện ra anh Tú gian dối nên cùng người làm đến quán anh Tú cân trực tiếp để đối chứng. Tại đây, anh Hòng phát hiện, với mỗi mã hàng, anh Tú ăn gian đến 8kg. Cộng với việc anh Tú còn nợ đọng 32 triệu đồng nên anh Hòng hẹn bạn đến nhà mình nói chuyện.
Tối 14/6/2015, đợi không thấy anh Tú đến, anh Hòng trực tiếp đến nhà anh Tú để nói chuyện. Tới nơi thấy anh Tú và vợ là chị Phạm Thị Liên đang ngồi ăn cơm. Đôi bên lời qua tiếng lại, anh Hòng lấy nón bảo hiểm đập xuống bàn làm đổ mâm cơm. Chị Liên nóng tính thì bị anh Hòng tấn công.
Lúc này, anh Tú lấy con dao chặt thịt chó chém vào đầu, cổ và tay trái của anh Hòng. Anh Hòng bỏ chạy và được người dân đưa đi cấp cứu. Anh Hòng phải điều trị mất 4 tháng, vết thương nhiều nơi, nhất là ngón tay cái của cánh tay phải đứt lìa, phải cắt bỏ. Vết thương bị hoại tử phải lấy vùng da khác cấy lên. Kết quả giám định, anh Hòng mang thương tật 41%.
|
Nạn nhân Nguyễn Trọng Hòng với vết thương ở tay. |
Bị hại yêu cầu truy tố kiểm sát viên
Liên quan đến kỳ án cân gian thịt chó, ngày 6/5/2016, TAND thị xã Thuận An tuyên xử anh Tú 1 năm 3 tháng tù và được hưởng án treo về tội : “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Cho rằng bản án này quá nhẹ, anh Hòng kháng cáo. Hồ sơ vụ án cũng cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn nhau giữa kết quả điều tra và cáo trạng.
Trong khi kết luận điều tra ghi anh Hòng dùng chiếc ghế nhựa đập vào mâm cơm thì cáo trạng lại nêu anh này dùng nón bảo hiểm đập vào mâm cơm. Kết luận điều tra ghi anh Hòng đuổi đánh chị Liên, trong khi cáo trạng lại nêu chị Liên bỏ chạy thì anh Hòng dùng chén sành ném theo nhưng không trúng. Đặc biệt, kết luận điều tra của cơ quan công an không hề có việc anh Hòng dùng ghế nhựa đánh chị Liên. Tuy nhiên, cáo trạng của VKS lại ghi rõ: “Chị Liên tiếp tục nói thì bị Hòng lấy ghế nhựa đánh trúng mặt”.
Theo anh Hòng, đây là tình tiết không có và được Viện KSND thị xã Thuận An “thêm thắt” vào hồ sơ để làm cơ sở chứng minh anh Tú bị kích động mạnh. Viện đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, xác định không đúng đối với hành vi của người bị hại dẫn đến việc xác định sai tội danh đối với bị cáo Nguyễn Văn Tú.
Anh Hòng kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm của TAND Thuận An. Đồng thời với yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Anh Hòng còn yêu cầu khởi tố kiểm sát viên Viện KSND thị xã Thuận An về hành vi: “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Hình sự 1999.
“Tôi chỉ mong muốn có một bản án công bằng. Tôi mang thương tích đầy mình, phải điều trị qua nhiều bệnh viện trong vòng nửa năm trời. Trong khi bị cáo Tú chém người dã man thì không bị giam giữ một ngày nào trong suốt quá trình vụ án”, anh Hòng nói.
Theo luật sư Trần Quang Thắng, Giám đốc Công ty luật Quốc tế và Cộng sự, mấu chốt của vụ án này nằm ở tình tiết “trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” của bị cáo Tú. Sự chênh lệch của kết luận điều tra và cáo trạng, đặc biệt là tình tiết “dùng ghế nhựa đánh vào mặt” chị Liên là không có trong kết luận điều tra nhưng lại xuất hiện trong cáo trạng. Đây là sai sót lớn dẫn đến việc xác định sai tội danh. Hành vi của bị cáo dùng hung khí nguy hiểm là dao chém nhiều nhát vào vùng sau đầu, cổ và bàn tay trái người bị hại là hành vi cố ý giết người chứ không thể là cố ý gây thương tích. Vì nếu người bị hại không dùng tay để đỡ nhát dao vào sau cổ, đầu, ngực và phải bỏ chạy ra ngoài thì có lẽ án mạng đã xảy ra chứ không dừng lại ở thương tích 41%.