Học sinh Hà Nội chuẩn bị tâm lý 'chống sốc' khi đi học trực tiếp

Google News

Chuẩn bị trở lại trường học, ngoài nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19, nhiều học sinh Hà Nội đang chuẩn bị tâm lý 'chống sốc'.

Hoc sinh Ha Noi chuan bi tam ly 'chong soc' khi di hoc truc tiep
Quận Ba Đình tổ chức diễn tập đón học sinh trở lại trường học sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN) 
Học sinh háo hức
Theo thông báo của Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội, học sinh từ lớp 7-12 tại các vùng xanh, vùng vàng trên toàn thành phố đi học trực tiếp từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 1-6 tại 18 huyện, thị xã của Hà Nội cũng sẽ chính thức trở lại trường từ ngày 10/2. Sau hơn 1 học kỳ học trực tuyến, việc được đến trường không chỉ là mong ước của học sinh mà còn là sự mong chờ của nhiều phụ huynh.
Trần Thành Trung, học sinh lớp 10 tại Long Biên (Hà Nội), đang hồi hộp, mong ngóng từng ngày được đến trường. Từ khi khai giảng năm học mới, chuyển sang bậc THPT, Trung cũng như nhiều học sinh đầu cấp khác chưa từng được đến nhận trường lớp mới.
Theo Trung, em rất háo hức được đi học trực tiếp, vì từ khi bước sang cấp học mới em chưa được đến trường. Ngoài ra, học trực tuyến không thực sự hiệu quả, bản thân em Trung cũng thấy khó tập trung khi học, thậm chí việc ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính còn gây mỏi mắt, uể oải, chán học.
"Vì lớp 10 là năm đầu tiên của bậc THPT, học sinh cần có nền tảng tốt ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, bởi vậy nếu tiếp tục học trực tuyến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập. Em nghĩ rằng việc trở lại trường học trực tiếp sẽ giúp việc học hiệu quả hơn rất nhiều”, Trung chia sẻ.
Cùng tâm trạng, Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 11 tại Hà Đông (Hà Nội), cũng đang háo hức trước ngày được trở lại trường gặp lại thầy cô, bạn bè.
“Từ tuần tới, chúng em sẽ được đến trường, em đang rất háo hức được nghe thầy cô giảng trực tiếp, được trò chuyện cùng bạn bè. Nhân dịp năm mới, em cũng chuẩn bị sẵn những lì xì đặc biệt dành tặng bạn bè thân thiết. Chúng em cũng đã lên kế hoạch để học nhóm cùng nhau và tìm hiểu về các trường đại học để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học vào năm sau”, Minh Anh chia sẻ.
Nói về việc đến trường trong khi dịch bệnh tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, Minh Anh cho biết, bản thân không quá lo lắng khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng tin rằng nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để mở cửa trở lại.
“Em nghĩ rằng nếu mỗi học sinh đều có ý thức phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K, kịp thời khai báo, cách ly khi có biểu hiện mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh sẽ đảm bảo an toàn khi đi học trở lại”, Nguyễn Minh Anh nói.
Phụ huynh ủng hộ
Không chỉ học sinh, mà nhiều phụ huynh cũng rất hào hứng với việc mở cửa trường học.
Chị Đinh Thị Tuyết Mai ở Gia Lâm rất ủng hộ việc cho học sinh trong độ tuổi đã tiêm vaccine được trở lại trường. So với vấn đề dịch bệnh, chị Đinh Thị Tuyết Mai lo ngại hơn về những hệ quả khi trẻ phải học online kéo dài như đảo lộn thói quen sinh hoạt thường ngày, việc ăn ngủ không đúng giờ, thiếu điều độ, ít vận động khiến trẻ đối mặt với nguy cơ béo phì, cận thị.
Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng cho rằng, khi trẻ học trực tuyến, bố mẹ vẫn phải đi làm, rất khó kiểm soát việc trẻ dùng máy tính ngoài giờ học, khiến con nghiện game, sa đà vào thế giới ảo.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở cửa trường học. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, gia đình tôi vẫn luôn nhắc và hướng dẫn con tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch. Điều tôi lo ngại nhất lúc này là làm sao để con thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập trong nhiều tháng liền học trực tuyến”, chị Mai nói.
Đặc biệt, chị Mai cũng nhấn mạnh cần một khoảng thời gian nhất định để "chống sốc” cho trẻ khi trở lại trường học trực tiếp.
Anh Nguyễn Xuân Cường ở Cầu Giấy có con học lớp 7 cho biết, khi nhận được thông báo sẽ đi học trực tiếp, con nửa muốn đến trường, nửa không muốn vì khi học tại nhà được thoải mái hơn về giờ giấc, vui chơi. Học trực tuyến thời gian dài cũng tạo ra sức ì, khiến trẻ ngại vận động, ngại ra ngoài.
Anh Cường bày tỏ lo ngại: “Thời gian gần đây con không còn nói đến việc muốn được đến trường. Hết dùng máy tính, con lại tranh thủ mượn điện thoại của bố mẹ để chơi game, vào Facebook nhắn tin với bạn bè. Bố mẹ không thể theo con cả ngày để quản lý nên rất khó. Điều tôi lo ngại nhất là con đã bị cận thị, trong mùa dịch, tình trạng này càng nặng thêm, bên cạnh đó là việc nghiện game và con ít chia sẻ với bố mẹ hơn”.
Để chuẩn bị cho việc học trực tiếp, những ngày này, vợ chồng anh Cường dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng con, làm công tác tư tưởng để con có hứng thú quay trở lại trường học. Đặc biệt, dù đang trong kỳ nghỉ Tết, nhưng phụ huynh này vẫn yêu cầu con thức dậy sớm để ăn sáng, tập thể dục, làm quen dần với nhịp sinh hoạt khi phải đi học trở lại.
Theo Hoài Minh/Baoquocte.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)