Vào khoảng 8h45 sáng 11/9, trong giờ ra chơi, bảo vệ Trường tiểu học Nam Lộc mở cổng trường để đưa chậu cây cảnh vào trong trường. Lúc này, em N.H.L. (11 tuổi, học sinh lớp 5C) chạy ra ngoài chơi ở khu vực tường rào trước cổng trường thì bất ngờ bức tường bị đổ sập, đè chết.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Trần Đình Hường - hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Lộc thông tin với báo chí rằng, ngay sau khi xảy ra tai nạn đáng tiếc nhà trường đã đến thăm hỏi, động viên và cùng gia đình lo hậu sự cho nam học sinh đồng thời trấn an tâm lý cho học sinh, phụ huynh và thầy cô để ổn định việc dạy học.
Ông Hường xác nhận bức tường bị đổ là của trường. Từ năm 2015, khi ông Hường về nhận nhiệm vụ hiệu trưởng thì bức tường này đã có từ trước.
"Năm 2019, một phần bức tường bị đổ, chúng tôi đã cho sửa chữa lại. Nhà trường cũng nhận được phản ảnh của phụ huynh về bức tường bị nứt nẻ nhưng do điều kiện kinh phí còn eo hẹp nên chưa xây lại được.
Đây là tai nạn ngoài mong muốn. Chúng tôi sẽ kiến nghị với địa phương phối hợp cùng hội phụ huynh có giải pháp xây lại tường để đảm bảo an toàn cho học sinh", ông Hường nói.
|
Hiện trường tường rào đổ khiến một học sinh tử vong |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An đến hiện trường kiểm tra sự việc. Trước mắt, UBND huyện Nam Đàn hỗ trợ 5 triệu đồng, Sở GD-ĐT hỗ trợ 1 triệu đồng thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình em L.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Từ vụ việc sập cổng trường học ở Lào Cai khiến cho 3 học sinh tử vong và trường hợp em học sinh lớp 5 ở trường học Nam Lộc (Nghệ An) là khá tương đồng. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này cần làm rõ thời điểm tai nạn xảy ra có trong giờ học hay không, trách nhiệm trong việc trông nom, quản lý, giám sát học sinh thuộc về ai?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm trông nom, quản lý các em phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi đông người nhưng không thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến hậu quả tai nạn xảy ra, một học sinh thiệt mạng thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ Luật Hình sự... Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để có quyết định đúng đắn nhất.