UBND TP Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Sở GTVT, thời gian thí điểm 12 tháng khi đảm bảo điều kiện về mặt bằng, phương tiện và các quy định có liên quan.
|
Thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn Thành phố. |
Theo đó, UBND TP giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và các đơn vị có liên quan triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị nêu trên.
Cùng đó, điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi phù hợp với tình hình thực tế: không trùng lặp tuyến và mô hình thí điểm xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT đang triển khai theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ GTVT.
Thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có tổng kết, đánh giá về chất lượng, hiệu quả của các mô hình và tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát về trình tự, thủ tục và tham mưu cho UBND Thành phố có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực HĐND Thành phố về việc miễn phí sử dụng tạm thời hè phố trong thời gian triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 5/12/2022.
TP cũng giao UBND các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân cùng với Sở GTVT và các cơ quan liên quan hướng dẫn đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để tổ chức thực hiện trước ngày 15/12/2022.
Trước đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng, trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.
Theo đó, Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng.
Được biết, 6 quận nội thành được thí điểm trước ở giai đoạn đầu. Trong đó, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.
Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên điện thoại thông minh: mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng...
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chiếc xe đạp của Chiến, cậu bé vượt 103 Km từ Sơn La đến Hà Nội thăm em: