Sáng 17/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi kiểm tra thực địa tuyến đê Yên Phụ - Nghi Tàm, đoạn nút giao An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Báo cáo Phó thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nếu quy hoạch điều chỉnh kết cấu đê sông Hồng được Chính phủ phê duyệt, tuyến đường này sẽ mở rộng mỗi bên hai làn đường 3,7 m. Hiện tại, Hà Nội đã giao đơn vị tư vấn lên đồ án, thiết kế cụ thể.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng tôi kiến nghị thay đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê bằng đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế từ đoạn Phúc Tân đến An Dương đã làm rồi. Nếu làm thì kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp hơn”.
Theo Chủ tịch Chung, hiện người dân sinh sống dọc ven đê Nghi Tàm đều đồng thuận với phương án quy hoạch điều chỉnh kết cấu đê. Nếu phương án được phê duyệt, dự án này sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô. Hà Nội đã thuê tư vấn từ Hà Lan nghiên cứu phương án này.
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra thực địa đê sông Hồng. Ảnh: Quang Anh. |
Chủ tịch Hà Nội khẳng định việc thay đổi kết cấu chắc chắn không làm ảnh hưởng đến khả năng chống lũ của đê sông Hồng. Bởi khu này người dân đã xây nhà kín nên mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của mực nước khi dâng cao. Với công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể làm đê bê tông chịu lực được.
Chỉ đạo tại buổi kiểm tra thực địa, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng điều cốt yếu trong việc điều chỉnh kết cấu đê sông Hồng phải đảm bảo an toàn chỗng lũ cho thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo thành phố cần phải đưa ra được những cứ liệu, con số khoa học để chứng minh điều này cho người dân.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Hà Nội cần thuê tư vấn cả trong nước và nước ngoài vào nghiên cứu làm sao để đê sông Hồng an toàn nhất trong việc chống lũ. Trong dự án này, lãnh đạo nói với người dân chắc chắn sẽ không thuyết phục bằng nhà khoa học và đơn vị tư vấn”.
|
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng thay đổi kết cấu đê sẽ không ảnh hưởng đến an toàn chống lũ. Ảnh: Văn Chương. |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng ngoài đảm bảo an toàn chống lũ, phương án điều chỉnh đê sông Hồng cần đáp ứng yêu cầu giảm ùn tắc giao thông, tạo ra công trình kiến trúc đẹp. Đảm bảo người dân ở khu vực này phải có cuộc sống tốt đẹp hơn cả về cảnh quan và về việc đi lại.
“Tôi đề nghị Hà Nội thành lập một hội đồng thẩm định dự án, mời các nhà khoa học có kinh nghiệm, trách nhiệm phản biện. Khi thẩm định, kết quả như thế nào phải công bố rộng rãi đến người dân và cơ quan báo chí. Nếu người dân ủng hộ cao thì mới được thực hiện”, Phó thủ tướng nói.