Chiều 22/7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với UBND TP Hà Nội về phương án sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND Thành phố Hà Nội đã trình bày những nội dung chính của dự thảo Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc UBND Thành phố.
|
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo, hiện nay, thành phố Hà Nội có 21 trường cao đẳng, trung cấp, trong đó có 10 trường trung cấp, 11 trường cao đẳng.
Các lĩnh vực đào tạo bao gồm: văn hóa, nghệ thuật; Y tế; cơ khí, động lực, điện, điện tử và công nghệ thông tin; nông nghiệp; xây dựng, kinh tế; du lịch, kinh tế - tài chính (đối với các trường cao đẳng); nấu ăn, du lịch, may thời trang; kinh tế; xây dựng (đối với các trường trung cấp).
Trước yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Đề án được xây dựng dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể về quy mô tuyển sinh, đào tạo, vị trí địa lý, khoảng cách giữa các trường, vấn đề giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, sự tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phương án sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng trên thuộc thành phố sẽ làm giảm đầu mối từ 21 đơn vị thành 10 đơn vị là các trường cao đẳng (giảm 52,4%).
Tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng việc sáp nhập cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, trước hết là tính đến đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, lĩnh vực ngành nghề đào tạo. Các tiêu chí sáp nhập các trường cần dựa vào thực tiễn và các quy định hiện hành.