Theo báo cáo gửi Chính phủ, tính đến ngày 31/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo cuối năm nay giải ngân không thể cao bằng năm 2020, khả năng chỉ đạt 80-85%.
Trong lần đăng đàn trả lời chất vấn chiều nay, người đứng đầu Bộ KHĐT đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tình trạng chậm trễ giải ngân đầu tư công.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng KHĐT cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp và giải pháp của Bộ KHĐT để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm nay và các năm tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) đặt vấn đề Chỉ thị 23 của Thủ tướng yêu cầu phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong quý 4/2020, tuy nhiên đến nay quy hoạch chưa được phê duyệt, nguyên nhân do đâu và đến bao giờ quy hoạch được duyệt? Mặt khác tình hình thực hiện việc bổ sung 2 tỉ USD để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nôi) chất vấn ngoài ảnh hưởng do dịch, bộ trưởng cho biết trách nhiệm về việc chuyển nguồn rất lớn vốn đầu tư công là do bộ chủ quản hay địa phương?
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, lý do chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ là phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao, chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án.
Bên cạnh đó, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng, nếu các quy định, vướng mắc trong Luật đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, ý thức người dân…
Riêng năm 2021, Bộ trưởng KHĐT cho biết công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao…
Ngoài ra, đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và trùng với nhiều sự kiện lớn. Theo Bộ trưởng KHĐT, để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính, bởi hiện nay Bộ KHĐT đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương.
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ và đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết giải ngân vốn đầu tư công chậm không thể đổ lỗi cho pháp luật. Luật đã quy định rõ ràng, đầy đủ, phân cấp triệt để cho địa phương, Bộ chỉ quản lý tổng hợp chung thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
“Như vậy đã rất thông thoáng, thuận lợi cho các địa phương”, ông Dũng nói. Vì thế ông khẳng định tất cả nằm ở vấn đề tổ chức thực hiện, vì cùng một thể chế có nơi giải ngân được 100%, thậm chí phải ứng thêm vốn, trong khi có nơi rất thấp.
"Vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ", ông Dũng nói.
Do đó, theo ông Dũng, giải ngân vốn đầu tư công thấp "nằm ở tổ chức thực hiện".
Một nguyên nhân khác, theo ông Dũng, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.
"Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả...
Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Dũng nói.
Không đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận rằng, những dự án nhóm A và trọng điểm quốc gia do bộ, ngành Trung ương thẩm định.
Do đó, nếu Bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì “tội nghiệp địa phương quá”. Ông đề nghị làm rõ địa phương nào chậm thì xử lý trách nhiệm, nhưng bộ ngành Trung ương thẩm định chậm cũng phải làm rõ trách nhiệm.
Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án quan trọng quốc gia thì Bộ KHĐT thẩm định trước khi trình Thủ tướng.
“Cái nào chậm trên Bộ KHĐT hay Trung ương hãy cho chúng tôi biết, tôi đảm bảo Bộ luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên có thể khi tổng hợp lại bị chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng”, ông Dũng khẳng định.
Nêu quan điểm về chậm giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục 98%.
“Thể chế của năm 2021 phải tiến bộ hơn năm 2020 chứ. Vì sao trong cùng một thể chế lại có nơi giải ngân cao, nơi giải ngân thấp?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi là gì, vì đến hết 10 tháng rồi chưa giải ngân được 50%.
Nêu bối cảnh năm 2020 cũng có dịch COVID-19 và đất nước phải lo rất nhiều công việc lớn nhưng chúng ta vẫn giải ngân được tỷ lệ lớn.
“Không thể để tình trạng này kéo dài mãi, vì nền kinh tế đang rất thiếu vốn. Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công rồi có gói nọ, gói kia, nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có còn chưa tiêu được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.