EVN nhất định tăng giá điện để có lãi 2013

Google News

Từ nay đến 2015, EVN được Thủ tướng cho tăng giá để bù lỗ khoảng 26.600 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá còn đang treo. Đến hết 2015, giá điện Việt Nam phải tăng khoảng 40% so với hiện nay mới bù hết lỗ.

Giá điện mà EVN dự kiến sẽ cao chót vót có đè nặng lên lưng người tiêu dùng (ảnh chụp trước tòa nhà EVN). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng tái cấu trúc lại thị trường điện để có sự cạnh tranh thực sự. Thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa có thị trường điện. Thực tế, vẫn là một người vừa mua vừa bán đó chính là EVN.

Các tổng công ty mua bán điện, tổng công ty truyền tải điện, ba tổng công ty phát điện độc lập cũng như 62 công ty điện lực ở các tỉnh, thành phố đều trực thuộc EVN. Do đó, EVN đang độc quyền quản lý toàn bộ thị trường điện Việt Nam. 

Để có thị trường thực sự, phải tách tất cả các tổng công ty trên ra khỏi EVN. Trong mô hình mới, chức năng của EVN là quản lý thị trường bán lẻ. 
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, đợt tăng giá 5% từ ngày 22/12/2012, dự kiến EVN thu được hơn 7.000 tỷ đồng. Số tiền này trước hết sẽ dùng để bù chi phí giá than tăng gần 900 tỷ đồng, 3.800 tỷ đồng cho khoản “vượt bao tiêu khí” và 3.000 tỷ đồng để bù chênh lệch tỉ giá.

Số tiền bù cho chênh lệch tỉ giá trên là rất nhỏ, trên tổng số 26.600 tỷ đồng mà Thủ tướng đã cho EVN bù dần để đến năm 2015 giải quyết hết số lỗ trên.

Như vậy, tính bài toán cộng đơn giản, để giải quyết chỉ riêng số lỗ do tỷ giá còn 23.600 tỷ (sau khi đã trừ 3.000 tỷ), thì giá điện đến hết 2015 phải 8 lần tăng (mỗi lần 5%), với mức tăng cộng dồn khoảng 40% nữa mới đủ để bù hết số tiền chênh lệch tỷ giá trên.

Đó là chưa kể, nếu EVN lợi dụng “té nước theo mưa” để tranh thủ gửi giá bù lỗ cho việc mua điện giá cao, bán giá thấp... khoảng hơn chục ngàn tỷ nữa (hiện cũng đang treo), thì giá điện sẽ còn tăng mạnh hơn mức trên.

Ngoài ra, ứng với từng năm giá điện cao hay thấp còn phụ thuộc vào thời tiết (mưa nhiều hay ít). Như năm 2013, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN dự báo, do nguồn cung điện miền Nam trong năm 2013 sẽ rất căng thẳng nên dự kiến EVN phải mua dầu phát điện cho miền Nam trong mùa khô.

Với việc phát điện chạy dầu khoảng hơn 2 tỷ kWh để cung cấp điện cho miền Nam, EVN sẽ lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng trong 2013.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, trong năm 2013, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị tăng giá bán than cho ngành điện để bằng giá thành sản xuất than. 

Do vậy, tiền chênh lệch trả cho giá than của EVN trong năm 2013 sẽ tăng khoảng trên 6.000 tỷ đồng, năm 2014 sẽ tăng khoảng 16.000 tỷ đồng và năm 2015 sẽ tăng khoảng 21.000 tỷ đồng.

Đương nhiên, theo quy định những khoản chi phí đầu vào sản xuất điện sẽ được EVN hạch toán vào giá điện. Như vậy, rất khó có thể tính toán giá điện của Việt Nam sẽ tăng lên bao nhiêu, đến năm 2015.

Trả lời về lộ trình tăng giá điện năm 2013 cũng như những năm sau đó, ông Phạm Lê Thanh nói: “Điều chỉnh giá thế nào thì phải phù hợp với nền kinh tế, và trong tất cả lần điều chỉnh tăng giá điện đều phải được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Nên bây giờ hỏi rằng tăng giá điện vào thời điểm nào và như thế nào thì chúng tôi không thể trả lời được”.

Tại hội nghị tổng kết năm 2012 của EVN mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người từng là lãnh đạo EVN nhiều năm cũng phải thừa nhận, tuy giá trên thấp hơn một số quốc gia trong khu vực, nhưng không còn rẻ nữa. Vì không rẻ nữa nên đi kèm với giá, EVN phải làm sao nâng chất lượng cung ứng điện lên.

Còn Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng, thì khẳng định, trong năm 2013, EVN vẫn tiếp tục đặt mục tiêu phải có lãi. Nên sắp tới, giá điện Việt Nam sẽ còn tăng nữa.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU
Theo Tiền Phong

Bình luận(0)