Ông Trần Văn Cưng (58 tuổi, ngụ ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), cho biết năm nay, ông trồng 3.5000 m2 (với 4.000 dây) dưa hấu Kim Hồng (vỏ vàng, ruột đỏ) để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm Quý Mão 2023.
Trong hàng ngàn dây dưa, ông Cưng đã chọn ra 600 dây dưa khoẻ mạnh, có trái phát triển tốt để tạo hình dưa hấu thỏi vàng và dưa hấu vuông.
Sau thời gian vất vả chăm sóc, ông Cưng đã thu hoạch được 100 trái dưa hấu vuông và 100 trái dưa hấu thỏi vàng loại 1, số còn lại là loại 2.
Số dưa hấu thỏi vàng được nông dân ở Lai Vung trồng cung ứng thị trường Tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: HD
Qua thời gian chăm sóc vất vả và tạo hình công phu, ông Cưng bán mỗi cặp dưa hấu thỏi vàng với giá 1,5 triệu đồng
Theo phong tục người Việt Nam thường chưng dưa hấu vào dịp Tết Nguyên đán với ý nghĩa cầu tài lộc và sự may mắn thịnh vượng cho gia đình. Dưa hấu tạo hình (thỏi vàng, chữ tài lộc) càng được mọi người săn tìm để chưng hoặc làm quà biếu với mong muốn mang đến sự an khang, thịnh vượng, tiền tài sung túc đến gia đình, bạn bè.
Điều đáng nói giá mỗi cặp dưa rất cao, dao động từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng nhưng đều được thu mua hết.
Cụ thể, dưa hấu thỏi vàng loại 1, được bán với giá 1,5 triệu đồng/cặp, dưa hấu vuông có giá 1 triệu đồng/cặp. Còn số dưa hấu tạo hình loại 2, cũng có giá đến 600.000 đồng cặp.
Ngoài hình dáng đặc biệt, trên dưa hấu còn được tạo chữ tiếng hoa Phúc - Lộc và tiếng việt Tài - Lộc.
Ông Trần Văn Cưng cùng số dưa hấu hình vuông bắt mắt
Ngoài hình dạng đặc biệt trên dưa còn được tạo chữ nổi Phúc - Lộc
Điều đặc biệt, khuôn gỗ tạo hình do ông Cưng tự sáng chế.
Theo ông Cưng, dưa hấu Kim Hồng có vỏ dày, độ ngọt cao, có thể bảo quản được từ 1-2 tháng và tất cả sản phẩm dưa hấu tạo hình của ông tạo ra đều được bảo hành từ khâu vận chuyển đến chất lượng.