Du khách bị lũ cuốn tại Lâm Đồng: Cty Gutrip chưa được phép kinh doanh lữ hành

Google News

(Kiến Thức) - Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, Công ty TNHH Gutrip – đơn vị tổ chức tour liên quan vụ du khách bị lũ cuốn tại tỉnh Lâm Đồng chưa được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành theo quy định.

Liên quan du khách bị lũ cuốn trôi tại Lâm Đồng, chiều ngày 1/12, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vào 13h chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể một nữ du khách ngay tại vị trí cây cầu gãy khi nhóm du khách bị nạn khi đi qua.
Báo cáo của Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, hai nữ du khách mất tích do bị lũ cuốn được xác định Nguyễn Thị Hà My, sinh năm 1989 và Lê Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1992.
Ngày 28/11, Công ty TNHH Gutrip phối hợp Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà), tổ chức tour tham quan tại vườn cho 25 du khách nội địa đến từ TP Hồ Chí Minh (có hợp đồng cung cấp dịch vụ). Tour tham quan do ông Nguyễn Lê Minh Tú phụ trách đoàn và hướng dẫn viên Hồ Ngọc Hiếu của trung tâm du lịch trên, phụ trách hướng dẫn đoàn.
Du khach bi lu cuon tai Lam Dong: Cty Gutrip chua duoc phep kinh doanh lu hanh
 Lực lượng chức năng giải cứu và tìm kiếm các du khách gặp nạn. Ảnh: Zing
Khoảng 13h30 phút, ngày 29/11, nhóm du khách thuộc tour trên đang trên đường tham quan trở về, khi đi qua cầu treo bắc ngang suối Klong Klanh, đầu nguồn sông Đa Nhim, địa bàn xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, thì bất ngờ lũ lớn đổ về cuốn trôi cầu. Trong đó, 5 du khách và một phụ trách đoàn bị lũ cuốn. Sau đó, phụ trách đoàn và 3 du khách được giải cứu. Riêng 2 nữ du khách là Nguyễn Thị Hà My và Lê Thị Quỳnh Trang bị nước cuốn trôi ra xa và địa hình phức tạp nên chưa được tìm thấy.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lực lượng, khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích. Đồng thời, tiến hành làm rõ tính pháp lý, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động của tour du lịch này.
Liên quan sự việc trên, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về công ty tổ chức tour liên quan vụ du khách bị lũ cuốn tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Công văn nêu rõ, sau khi nhận được thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, báo cáo về vụ tai nạn liên quan đến sáu du khách trong nước vào ngày 29/11, Tổng cục Du lịch đã giao đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát hồ sơ các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã được cấp phép và thấy rằng, Công ty TNHH Gutrip (địa chỉ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh), chưa được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Trước đó, Sở VHTTDL Lâm Đồng cũng cho biết, Công ty Gutrip chưa được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành theo quy định.
Thông tin xác minh bước đầu từ cơ quan chức năng cho thấy, Công ty TNHH Gutrip có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp. Trong đó, ngành nghề đăng ký kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch, dịch vụ đặt chỗ và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc trên, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định, sớm báo cáo tình hình và kết quả xử lý về Tổng cục Du lịch.
Liên quan vụ việc trên, Thanh tra sở Du lịch TP.HCM đã mời công ty TNHH Gutrip lên làm việc để làm rõ một số nội dung liên quan. Đại diện Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ xác minh và xem lại hồ sơ tour đó là doanh nghiệp tự ký hợp đồng đưa khách đi hay phối hợp với một đơn vị khác, nếu công ty tự ý dẫn khách sẽ xử phạt đúng quy định trên.
Theo quy định tại Nghị định 45 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng và biện pháp khắc phục bổ sung là buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên...
Đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các địa phương có mưa lũ
Ngày 1/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 542//TWPCTT-VP về việc tăng cường các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ.
Văn bản nêu rõ, từ ngày 28/11 đến nay, các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Một số nơi mưa đặc biệt lớn như trạm đo Cư Króa (Đắk Lắk) có lưu lượng mm, Pờ Ê (Kon Tum) 495 mm, Cư San (Đắk Lắk) 471mm, Đạ Chais (Lâm Đồng) 04 mm. Mưa lớn đã gây lũ và ngập lụt, chia cắt một số vùng trũng, thấp, gây thiệt hại về người và tài sản. Tại Lâm Đồng, lũ đã cuốn 4 khách du lịch, 2 người được cứu sống nhưng hiện vẫn còn 2 người đang mất tích.
Tại Khánh Hòa, 45 du khách hiện còn mắt kẹt ở khu vực Trại bò của xã Sơn Thành, huyện Khánh Sơn, lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận do mưa lớn. Ngoài ra, theo báo cáo từ các địa phương, còn nhiều trường hợp du khách gặp rủi ro, nguy hiểm khác đã được hỗ trợ kịp thời.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục có mưa.
Để chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây lũ và sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng khẩn trương huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các du khách đang bị mắt kẹt; sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống; chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát công tác quản lý lữ hành, có biện pháp kiểm soát du khách đi du lịch tự do, hướng dẫn để du khách không đi vào hoặc di chuyển ra khỏi khu vực có thể gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cần tăng cường công tác truyền thông về tình hình mưa lũ trên địa bàn và kiểm soát, hạn chế người dân đi vào các khu vực không đảm bảo an toàn khi dễ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có nguy cơ cao… 
>>> Mời độc giả xem thêm video Quảng Bình: Chủ tịch xã tử vong vì nhiễm vi khuẩn trong mưa lũ

Nguồn: THĐT1 

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)