Trong phiên họp ngày 25/5, kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa XIV đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương.
Dự án Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương với 117 điều; phạm vi điều chỉnh là quy định về các biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương hàng hóa; giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung dự án luật cũng như báo cáo liên quan đến dự án luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; vấn đề về cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu; hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới; biện pháp phòng vệ thương mại...Một số đại biểu cũng cho rằng, nhiều điều trong dự án Luật mới chỉ mang tính nguyên tắc ví như quy định về hạn ngạch thuế quan, chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu; về quản lý giấy phép, trình tự, danh mục, thủ tục, cơ chế...Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật giao cho bộ Công thương rất nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, rõ ràng, có cơ chế kiểm soát, giám sát; cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ ngành liên quan, quy định rõ ràng và mạnh dạn phân cấp cho địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương.
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang).
|
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đặc biệt là trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, áp dụng khoa học công nghệ, quản lý, điều hành, cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hóa...
“Quy định Bộ Công thương quyết định việc tạm ngừng xuất, nhập khẩu hàng hóa là để đảm bảo tính kịp thời. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau, nhiều loại sản phẩm hàng hóa do các bộ ngành khác nhau cùng quản lý, nếu chỉ giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương lấy ý kiến của các bộ ngành rồi mới ra quyết định thì sẽ không đảm bảo thời gian cho công tác xuất, nhập khẩu, sẽ dẫn đến khó khăn, mất thời gian, gây thiệt hại cho doanh nghệp. Vì vậy, đề nghị giao thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tạm ngừng xuất, nhập khẩu nhằm thực hiện chặt chẽ hơn trong công tác quản lý”, Đại Biểu Tuân nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đề nghị làm rõ một số nội dung dự thảo luật chỉ áp dụng với hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ, trong khi hoạt động ngoại thương liên quan đến nhiều dịch vụ. Việc xây dựng luật liên quan đến nhiều luật, văn bản luật hiện hành, do đó cần đảm bảo đồng bộ, giải quyết tốt và phù hợp với luật hiện hành.
“Thời gian qua, thương lái nước ngoài núp bóng doanh nghiệp Việt Nam thu mua chèn ép hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng như thu mua, chèn ép hàng hóa trong nước... gây bức xúc. Có tình trạng hàng hóa nước ngoài nhập vào giả danh hàng Việt Nam. Luật quan tâm đến vấn đề này thế nào. Các nước có hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ như việc bảo trợ doanh nghiệp, chống bán phá giá. Đề nghị bổ sung nội dung trên vào luật và phải có chế tài xử phạt hợp lý, để doanh nghiệp trong nước được cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, điều này cũng sẽ ngăn chặn các đối tượng có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài gây tổn hại đến nền kinh tế của đất nước”, Đại biểu Thủy nói.
“Quản lý ngoại thương liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành cùng một số luật hiện hành như: Luật Thương mại, Luật Thuế, Luật Hải quan… Vì vậy, việc xây dựng luật cần bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước Quốc tế cũng như thông lệ quốc tế trong ngoại thương”, Đại biểu Thủy nói.
“Dự án Luật giao cho Bộ Công thương nhiều thẩm quyền, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm soát, giám sát. Tôi đề xuất cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan, quy định rõ ràng và phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương”, Đại biểu Thủy phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đánh giá ý kiến của các đại biểu có nhiều nội dung giá trị giúp cơ quan soạn thảo, thẩm tra nâng cao chất lượng luật. Ban soạn thảo sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp vào dự luật.