Mới đây, UBND TP.HCM có chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp 5K, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Thực tế ngay sau chỉ đạo này, nhiều địa phương tại thành phố này đã tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Điển hình, chiều 27/4, UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM) đã xử phạt 12 triệu đồng với 6 trường hợp không đeo khẩu trang tại công viên 23/9 và vỉa hè đường Lê Lai.
|
Thành phố HCM mạnh tay xử lý trường hợp không đeo khẩu trang. Ảnh: VNN |
Đây được coi là động thái mạnh mẽ của TP HCM được người dân đồng tình bởi không đeo khẩu trang, nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh rất lớn, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, nhiều sự kiện được tổ chức không chỉ ở TP HCM mà trên cả nước, nguy cơ bùng dịch rất cao. Xử phạt là hành động cần thiết để người dân nhận thức được hành vi, chấp hành tốt quy định phòng chống dịch bệnh hơn chỉ tuyên truyền suông sẽ không đủ răn đe.
Sau một thời gian dài, Việt Nam kiềm chế được dịch bệnh COVID-19, người dân đang có thái độ chủ quan, lơ là được cho rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát cao. Dịch bệnh ở Việt Nam hiện nay được kiềm chế tốt nhưng nguy cơ bùng phát rất cao khi nhiều nước châu Á, Đông Nam Á dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Điển hình nhất mới đây, tờ Daily Mail đưa tin, 52/188 hành khác trên một chuyến bay từ New Delhi (Ấn Độ) đến Hồng Kông (Trung Quốc) đã nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, dù trước đó, số hành khách này đều có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Đó là một thông tin cảnh báo rất lớn cho Việt Nam khi chúng ta đang nằm sát với nhiều quốc gia có tình hình dịch bệnh phức tạp như Thái Lan, Cambodia... Đó là một áp lực không nhỏ đối với Việt Nam. Nhất là hiện nay, chúng ta đang phải chịu áp lực rất lớn từ nhóm chuyên gia nhập cảnh, bà con từ nước ngoài về và người nhập cảnh trái phép. Bằng chứng mới nhất là tại Yên Bái, khi đón đoàn chuyên gia Ấn Độ vào đã lây cho một nhân viên ở khách sạn cách ly.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không lơ là công tác phòng, chống dịch. Ban Bí thư cũng đã có chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra những biện pháp ngăn chặn để không có đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam như Hà Nội tạm dừng các hoạt lễ hội, các tuyến phố đi bộ, TP.HCM bắt buộc đeo khẩu trang nơi đông người, Hải Dương vẫn tạm dừng các hoạt động không thật sự cần thiết, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo người dân hạn chế đi tham quan, du lịch, nhiều địa phương như TP HCM, Đắk Lắk, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ninh dừng bắn pháo hoa...
Tuy nhiên để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam, ý thức người dân là vô cùng quan trọng.
Tại cuộc họp sáng 28/4 với TP HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc nâng cao ý thức với đồng bào và người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo, nhất định không để ca lây nhiễm nào ra cộng đồng bởi "chỉ cần 1 ca lây nhiễm ở cộng đồng xuất hiện trong dịp lễ 30/4-1/5, ngành y cả nước sẽ rất cực khổ khi phải truy vết các ca tiếp xúc".
Trên thực tế, sự chủ quan của người dân khi không đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người, chưa chấp hành tốt các quy định của nhà nước sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực của nhà nước và của xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, công ăn việc làm của người lao động trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Để nâng cao ý thức người dân, ngoài việc mạnh tay xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng như TP HCM, các địa phương trên cả nước cần "bàn tay sắt" để xử lý nhiều hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch khác như tập trung đông người, các hành vi vi phạm về khai báo y tế (không khai báo, khai báo không trung thực); trốn cách ly, không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường…các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép...
Người dân phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Bí thư cũng như tuân thủ các nguyên tắc mà Bộ Y tế quy định để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội trước nguy cơ bùng dịch. Trong khi đó, chính quyền các địa phương cũng phải mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Bởi bất kỳ biện pháp nào mà chỉ tuyên truyền suông bằng khẩu hiệu khó có thể khiến một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành. Chỉ có "bàn tay sắt" với hành động mạnh mẽ mới đủ để cảnh tỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, mới tránh được nguy cơ bùng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vẫn còn tình trạng lơ là phòng dịch