Dân bức xúc vì Bảo hiểm Liberty, MIC, PJICO… tại Việt Nam mua dễ khó đòi

Google News

(Kiến Thức) -Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc người dân phản ánh việc mua bảo hiểm của các hãng như Liberty, MIC, PJICO… tại Việt Nam thì dễ nhưng lúc đòi quyền lợi lại rất khó. Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp luật, vấn đề này được phân tích thế nào?

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Theo số liệu thống kê, trong vòng hơn 6 năm qua, doanh thu phí bảo hiểm cả nước mỗi năm tăng trung bình trên 20%.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển, tình trạng nhiều doanh nghiệp phàn nàn về dịch vụ bảo hiểm cũng có xu hướng tăng cao, đặt biệt là việc khó đòi quyền lợi. Thực tế, có không ít vụ việc đôi bên phải đưa nhau ra tòa phân xử.
Đơn cử như vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm mọi rủi ro tài sản giữa Công ty Paldo Vina và Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty: Vụ hỏa hoạn xảy ra đêm ngày 27/8/2017 đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng của Paldo Vina tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng. Tuy nhiên phía Liberty cho rằng: “Chúng tôi đã thu thập được những sự kiện để có thể kết luận một cách hợp lý rằng hệ thống phòng cháy chữa cháy của quý Công ty (Paldo Vina - PV) đã không hoạt động vào thời điểm vụ cháy xảy ra tại Nhà máy” để loại trừ trách nhiệm bồi thường.
Một vụ việc khác, ngày 31-12-2016, Công ty cổ phần thép Việt Mỹ và Công ty bảo hiểm PJICO Đà Nẵng ký hợp đồng bảo hiểm lô hàng 1.799 tấn thép. Sau đó, PJICO Đà Nẵng cấp đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển trong lãnh thổ VN cho lô hàng trên bằng tàu Quang Trung 05 - BLC. Ngày 21/10/2017, trên đường đi, tàu Quang Trung và tàu New Port Cypress va chạm tại khu vực sông Nhà Bè luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, làm toàn bộ lô hàng và tàu bị chìm. Công ty thép Việt Mỹ đã gửi hồ sơ yêu cầu PJICO Đà Nẵng bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, PJICO Đà Nẵng từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tàu Quang Trung với định biên không đầy đủ là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông để loại trừ bảo hiểm.
Hay như mới đây, một khách hàng của bảo hiểm MIC cũng phàn nàn về việc đòi quyền lợi bảo hiểm và bị nhân viên công ty bảo hiểm chây ì, tắc trách trong giải quyết. Phải đến khi sự việc được báo Kiến Thức đăng tải, đích thân Giám đốc chi nhánh của MIC đứng ra giải quyết thì khách hàng mới nhận được bồi thường bảo hiểm.
Dan buc xuc vi Bao hiem Liberty, MIC, PJICO… tai Viet Nam mua de kho doi
 
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm – người có nhiều năm kinh nghiệm trong các vụ đòi quyền lợi bảo hiểm.
Ông Tú cho biết, các vụ tranh chấp bảo hiểm về tài sản, hàng hóa của doanh nghiệp thường diễn ra “ngầm” do tính bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung tranh chấp thường xoay quanh vấn đề nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm, hiệu lực và phạm vi của hợp đồng bảo hiểm, điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mức độ tổn thất.
Theo luật sư Tú, nguyên nhân tranh chấp là do lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khá phức tạp, có nhiều luật điều chỉnh như Luật kinh doanh bảo hiểm và hàng chục văn bản dưới luật, bộ luật dân sự, luật thương mại và các luật chuyên ngành khác như luật hàng hải, các văn bản hướng dẫn đi kèm, ... Ngôn ngữ hợp đồng và quy tắc bảo hiểm đôi khi “máy móc”, dùng thuật ngữ chuyên ngành sao chép từ nước ngoài, cho nên khi ký hợp đồng bảo hiểm, đa phần doanh nghiệp không hiểu hết về nội dung hợp đồng, pháp luật về bảo hiểm.
Trong khi đó, khi tiếp thị sản phẩm, bên bán thường tập trung vào các quyền lợi, ưu đãi để thu hút người mua, không giải thích rõ ràng về phạm vi bảo hiểm, điều kiện hưởng bảo hiểm, hướng dẫn khách hàng cách kê khai đúng, đủ và tránh các lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu, giải thích về các trường hợp loại trừ trách nhiệm của bên bảo hiểm, ...
Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm thường là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm soạn, mặc dù có đăng ký tại Bộ Công thương và Bộ Tài chính, đăng ký hợp đồng mẫu lên Sở Công thương nhưng bên bảo hiểm có xu hướng “cài cắm” nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, đặc biệt là điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường. Chưa kể đến, có tình trạng hợp đồng mẫu một kiểu, hợp đồng ký với khách hàng một kiểu mà khách hàng không thể kiểm soát.
Ngoài ra, trong Hợp đồng bảo hiểm luôn có mẫu câu: “Nếu không hòa giải được, các bên sẽ mang ra tòa án để giải quyết tranh chấp.” Cơ chế giải quyết tranh chấp như vậy khiến vụ án kéo dài hàng năm trời vì theo quy trình tố tụng tại tòa. Bởi khi đặt bút xác nhận nội dung này đồng nghĩa với việc “nắm chắc” một nửa thất bại bởi, với nhà buôn thời gian là vàng, trong lúc doanh nghiệp đang cần tái tạo sản xuất nguồn lực, không khác gì “đau bụng chờ sáng trăng”, lẽ ra những trường hợp này nên chọn cớ chế giải quyết là trọng tài thương mại, thời gian sẽ được rút ngắn với thủ tục đơn giản.
Ở một góc độ khác Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Do tính phức tạp, khi xảy ra sự cố bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ bị rối bời, không biết bắt đầu từ đâu để giải quyết, dẫn đến sai sót, không đáp ứng quy trình giải quyết bồi thường theo quy định. Ví dụ: Không có động tác kịp thời như lập biên bản hiện trường, vi bằng làm bằng chứng về sự kiện bảo hiểm; Hệ thống nhà xưởng, thiết bị không được thống kê đầy đủ dẫn đến khó chứng minh thiệt hại.”
Vì vậy, luật sư Tú khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nên tìm hiểu kỹ khung pháp lý và nội dung giao dịch trước khi đặt bút ký các hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho mình. Trong quá trình giao kết hợp đồng, doanh nghiệp nên yêu cầu được giải thích quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, và có quyền đàm phán hợp đồng. Nếu xảy ra sự cố, doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ hồ sơ bảo hiểm, nhanh chóng phối kết hợp với đơn vị bảo hiểm để xử lý đúng quy trình, trường hợp cần thiết có thể tham vấn ý kến chuyên gia ...Vị luật sư nhấn mạnh.
>>> Xem thêm video: Tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế khiến nguy cơ vỡ quỹ tăng cao

Nguồn VTV


Đức Thuận (ghi)

>> xem thêm

Bình luận(0)