Cần có bảng lương riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm
Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm về việc hàng loạt các bác sĩ bỏ bệnh viện công và chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với nhân viên y tế.
|
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng). Ảnh: QH. |
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho rằng, quy định của dự thảo về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề y chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế.
Ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.
Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần. Chẳng hạn như hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù.
Từ phân tích đó, đại biểu Ngọc Diễm đề nghị nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm.
“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tiền lương cho phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế hoặc giao đơn vị chủ trì dự thảo hướng dẫn chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt này”, đại biểu Diễm nêu quan điểm.
Cụ thể hóa chính sách đãi ngộ với nhân viên y tế
Về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
|
Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình). Ảnh: QH. |
Cụ thể, theo đại biểu An, tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật về chính sách của Nhà nước khám bệnh, chữa bệnh, Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với ngành y. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định về chính sách chung, cần được cụ thể hóa trong các điều luật cụ thể quy định quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa thấy thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt này.
Trong khi đó, thời gian qua, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát tất cả chúng ta cũng đều thừa nhận và ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của những cán bộ, lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết rằng thời gian gần đây cũng có những tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do đời sống khó khăn và những nguyên nhân khác… cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cả về vật chất và tinh thần cho các lực lượng này.
“Vì vậy tôi đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo luật để cụ thể hóa chính sách đãi ngộ và đặc biệt đối với người ngành nghề. Trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp trang phục và chế độ đặc thù đối với người hành nghề tại các cơ sở y tế công lập”, đại biểu An đề nghị.
Đề nghị không chi trả hỗ trợ độc hại cho y, bác sĩ bằng đường, sữa
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, quy định chế độ hỗ trợ độc hại cho nhân viên y tế hiện nay có bất cập khi chi trả bằng hiện vật, ví dụ như: Đường, sữa hoặc nước ngọt… Những hiện vật này cộng dồn đến cuối năm để đấu thầu và cấp phát cho nhân viên là không phù hợp. Bởi trong thời gian ngắn mà nhân viên phải sử dụng nhiều đường, sữa, nước ngọt là rất bất hợp lý. Nhiều nhân viên y tế phải bán ra thị trường với giá thấp.
Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên nghiên cứu, sửa đổi lại quy định theo hướng quy đổi ra bằng tiền để hỗ trợ cho nhân viên y tế. Đây là nội dung không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhưng qua tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ y tế ở tỉnh Bình Thuận họ phản ánh rất gay gắt.