Ngày 7-4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên xử vụ các cựu quan chức tỉnh này bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Hai cựu chủ tịch tỉnh bị đề nghị 5-7 năm tù
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bảy bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 229 BLHS và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) 6-7 năm tù, Lê Đức Vinh (cựu chủ tịch UBND tỉnh) và Đào Công Thiên (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh) mỗi bị cáo 5-6 năm tù.
Các bị cáo Lê Mộng Điệp (cựu giám đốc Sở TN&MT), Võ Tấn Thái (cựu giám đốc Sở TN&MT), Lê Văn Dẽ (cựu giám đốc Sở Xây dựng) bị VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù, Trần Văn Hùng (cựu chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT) 3-4 năm tù.
Các bị cáo nghe viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án. Ảnh: LÊ HIỀN
VKS xác định trong công tác quản lý nhà nước quá trình cho phép triển khai thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc, bảy bị cáo đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai.
Cụ thể, các bị cáo Thắng, Thiên ký các quyết định giao 513 ha đất cho Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa trái pháp luật để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. Các bị cáo Điệp, Thái, Hùng tham mưu ký các quyết định trên. Các bị cáo còn cho Công ty Khánh Hòa được miễn tiền sử dụng 370 ha đất trái quy định pháp luật.
Bị cáo Vinh ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng hơn 19,6 ha đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở, đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai. Các bị cáo Dẽ, Điệp, Hùng tham mưu ký quyết định này.
Theo VKS, các bị cáo là người có trình độ, am hiểu pháp luật về đất đai, xây dựng, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng các bị cáo lại đề xuất, ký các quyết định về quản lý đất đai trái pháp luật.
“Các bị cáo Thắng, Thiên, Vinh khai nhận tại thời điểm ký các quyết định trên, do tin tưởng vào cấp tham mưu hoặc nhận thức cho rằng các quyết định đó không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm của các bị cáo là những người giữ chức vụ lãnh đạo UBND cấp tỉnh thì buộc các bị cáo phải biết đầy đủ các thông tin, kiểm tra thông tin trước khi ký” - đại diện VKS nói.
VKS nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Trong đó, với vai trò người đứng đầu, trong quá trình cấp chủ trương đầu tư và thực hiện dự án, bị cáo Thắng đã chỉ đạo xuyên suốt bằng nhiều văn bản, là người có vai trò cao nhất trong vụ án. Là người đứng đầu, quản lý hoạt động chung của UBND tỉnh, nắm các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của toàn tỉnh nhưng bị cáo vẫn ký quyết định giao đất trái pháp luật. Do đó, bị cáo Thắng phải chịu mức hình phạt cao nhất.
Ông Nguyễn Chiến Thắng: “Tôi không vụ lợi”
Sau khi luật sư bào chữa, ông Thắng dành nhiều thời gian trình bày về bối cảnh ra đời của dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. Ông kể trong kháng chiến, núi Chín Khúc bị giặc đánh phá rất ác liệt, nhiều chiến sĩ cách mạng hy sinh tại đây, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom Napalm để hủy hoại các cánh rừng. Nói đến đây, ông Thắng xúc động khóc. HĐXX phải dừng phiên tòa, đề nghị ông bình tĩnh.
Ông Thắng nói khi Công ty Khánh Hòa đề xuất làm dự án trồng rừng cảnh quan, cá nhân ông rất mừng vì sẽ phục hồi, bảo vệ rừng. “Riêng khu tâm linh, tôi tự nghĩ ra để làm nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh và muốn thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế chứ không có ý vụ lợi. Tôi nghĩ đây là tâm huyết chính đáng”- ông nói.
Theo ông Thắng, những quyết định liên quan dự án này không phải làm chui mà ông làm theo thẩm quyền, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có chủ trương. UBND tỉnh giao các phó chủ tịch phụ trách, các sở, ngành liên quan triển khai theo quy định. Nói đến đây, ông Thắng lại sụt sùi khóc, quệt nước mắt.
Còn việc miễn thu tiền sử dụng đất đối với dự án, ông Thắng giải thích đây là đất không sử dụng được, doanh nghiệp bỏ công bảo vệ, chăm sóc rừng mà thu tiền thì vô cảm quá. Do Cục Thuế nói chưa có hướng dẫn thu tiền sử dụng đất nên ông kết luận là trước mắt chưa thu.
“Điều nữa, tôi cũng muốn nói với giám đốc sở là anh Điệp. Tôi nhận tội là người đứng đầu rồi, tôi không đổ lỗi. Tôi là chủ tịch có chủ trương, nêu ý tưởng, còn sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ làm sao cho đúng luật. Có trái gì thì báo cho chủ tịch, để chúng tôi xin ý kiến ban thường vụ, nếu không được nữa thì tôi xin ý kiến cao hơn. Quá trình làm việc tôi phát hiện pháp luật của mình cũng có sai sót chứ không phải đúng hoàn toàn” - bị cáo Thắng nói.
Bị cáo Thiên có ba luật sư bào chữa. Khi tự bào chữa thêm, ông Thiên nói khi ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án, ông mới được giao mảng tài nguyên môi trường rất phức tạp. “Dự án này là dự án trồng rừng kết hợp sinh thái, tâm linh, khác rất xa các dự án khác. Nó cứ lẫn lộn, chồng chéo, rất khó trong quá trình xử lý. Tôi thấy rất đau xót” - ông Thiên xúc động.
Ông Thiên đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ vì bị bệnh hiểm nghèo từ cuối năm 2019. “Tôi đang chữa bệnh ung thư. Giờ sức khỏe suy sút tất cả. Cho tôi được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tôi còn phải dự nhiều phiên tòa nữa” - ông Thiên nói.
Các bị cáo Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng cũng đề nghị được tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Hôm nay (8-4), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Ba cựu lãnh đạo bị khởi tố trong hai vụ án khác
Ngoài vụ án này, các ông Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Võ Tấn Thái còn bị khởi tố trong hai vụ án khác.
Cụ thể, những ông này bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong vụ án xảy ra tại khu đất trụ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, họ cũng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu tổ hợp khách sạn - căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate tại 28E Trần Phú, TP Nha Trang.
|