Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Trọng Hiệu, Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình GEF SGP; ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng LHHVN; bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch HĐQL Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Trưởng BĐH ML; ông Lê Minh Bá, Vụ Kế hoạch, Bộ NN và PTNT và cùng toàn thể các đại biểu tham gia hội thảo.
Nói về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, LHHVN cho biết: Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu là một thảm họa của nhiều Quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đối với Việt Nam, chúng ta thấy hậu quả mà biến đổi khí hậu mang lại thật khủng khiếp. Đơn cử, những trận lũ ống, lũ quét ở Tây Bắc rồi tình trạng sạt lở bờ sông, nhiễm mặn ở ĐBSCL. Gần đây, trận lũ quét ở Nha Trang đã khiến 17 người thiệt mạng và nhiều công trình sụp đổ.
|
Ông Lê Công Lương, Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng, LHHVN phát biểu tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công về thích ứng với biến đổi khí hậu". |
Về phương diện Quốc gia, hưởng ứng hành động của các tổ chức thế giới, chúng ta đã tiến hành xúc tiến các chương trình biến đổi khí hậu, cắt giảm hiệu ứng nhà kính và xây dựng các chương trình Quốc gia”.
Ông Lê Công Lương cho biết, theo đánh giá khách quan chúng ta đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Ngoài ra, các tổ chức chung tay vào công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để từ đó chúng ta giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần có một tiếng nói để cùng các Nhà hoạch định chính sách, Nhà nước xây dựng một kế hoạch Quốc gia về chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch HĐQL Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) cho biết: “Trong suốt 10 tháng qua, chúng tôi đã làm việc nỗ lực, đưa ra các tiêu chí đánh giá mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Căn cứ trên các bộ tiêu chí đánh giá, chúng tôi đã rà soát, đánh giá các mô hình trong khoảng 5 năm trở lại đây từ nguồn các tài liệu sẵn có, thực địa thu thập thông tin, hội thảo đầu bờ”.
“Bộ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu gồm các tiêu chí: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát khí thải nhà kính, hiệu quả và bền vững về kinh tế, hiệu quả bền vững về xã hội, môi trường; phù hợp với thể chế, chính sách của địa phương; khả năng nhân rộng”, bà Hợp cho biết thêm.
Ông Vũ Tiến Thường, Trung tâm SRD cho biết: Dự án được triển khai từ tháng 3/2018 – 2/2019. Mục tiêu của Dự án: thứ nhất, tăng cường năng lực vận động và đối thoại chính sách về biến đổi khí hậu cho các tổ chức xã hội và đại diện các cộng đồng dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó đóng góp có hiệu quả vào quá trình xây dựng kế hoạch Quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 (NAP).
Thứ hai, tạo lập diễn đàn chia sẻ thông tin về tính tổn thương với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai với một số vùng nơi các tổ chức xã hội đã thực hiện thành công nhiều dự án thích ứng về biến đổi khí hậu.
Thứ ba, tư liệu hóa các mô hình thành công về thích ứng biến đổi khí hậu nhằm làm tài liệu tham khảo cho quá trình xây dựng NAP, trên cơ sở đó khuyến khích nhân rộng những mô hình này tại các địa phương khác.
Được biết, có tất cả 33 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện như: mô hình canh tác lúa thích ứng với úng ngập và xâm nhập mặn; mô hình thâm canh sắn xem lạc trên vùng đất thoái hóa và hạn hán tại Bình Định; mô hình sản xuất hành tím bền vững tại Bạc Liêu; mô hình trồng cây thuốc nam tại Yên Bái; mô hình trồng dưa hấu trên đất nhiễm mặn tại Thừa Thiên Huế; mô hình nhà lưới trồng rau tại đảo Cát Bà; mô hình Sản xuất nông nghiệp khép kín không rác thải; mô hình cộng đồng quản lý, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước để sản xuất hiệu quả, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở Quảng Trị...