Cựu Chủ tịch tỉnh từng lý giải gì việc giao đất "vàng" Trường Chính trị
Cơ quan điều tra xác định hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã ký nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật trong việc giao đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất trong thực hiện một số dự án tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa như: Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc; Dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa.
|
Công an độc lệnh bắt ông Nguyễn Chiến Thắng (thứ 2 từ phải qua). Ảnh công an cung cấp. |
Ông Nguyễn Chiến Thắng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011 - 2016) trước khi bị bắt từng trả lời báo chí rằng, hồi ông mới giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh này, kinh tế Khánh Hoà rơi vào thực trạng lạm phát và suy thoái. Trên cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, ông luôn mong tạo được công ăn việc làm cho người dân và thu được ngân sách nên đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương.
“Mình có làm thì có đúng, có sai. Cái nào sai thì nhận khuyết điểm, không chối bỏ, đồng thời cũng đã làm việc với công an và cung cấp các hồ sơ liên quan để họ điều tra”, ông Thắng nói.
Đối với dự án BT Trường Chính trị Khánh Hoà, ông Thắng cho biết tỉnh đã mời thầu 3 lần, có hai doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư, nhưng đến khi thẩm định năng lực chỉ có Công ty Hoàn Cầu (nay là Công ty Thanh Yến) xin đầu tư. Sau nhiều lần họp và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tỉnh quyết định giao dự án theo hình thức chỉ định thầu cho doanh nghiệp này và ông ký quyết định đó.
Đối với cáo buộc giao gần 7.400 m2 đất với giá rẻ hơn rất nhiều so với quy định gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, ông Thắng nói “trước đó đã chỉ đạo các đơn vị phải định giá kỹ, giao đất theo giá thị trường”.
Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) đã ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến (tỉnh Long An) thực hiện dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa ở ngoại thành Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng và được hoàn vốn bằng quỹ “đất vàng” của Trường Chính trị cũ tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang với diện tích gần 7.400m2.
Mặc dù tại thời điểm đó, khu đất số 1 Trần Hưng Đạo đã được quy hoạch là đất dịch vụ thương mại nhưng ông Thắng đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu để tỉnh quyết định trong diện tích này chiếm phần lớn là đất ở và sau đó giao cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án Nha Trang Center 2 (sau đổi tên thành Nha Trang Gold Coast). Cơ quan chức năng xác định, chỉ đạo của ông Thắng có dấu hiệu trái pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
'Cán bộ, nhân dân đều bức xúc'
Trước việc nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vướng vòng lao lý vì sai phạm đất đai, ông Phạm Văn Chi (75 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) cho biết, không bất ngờ.
|
Ông Nguyễn Chiến Thắng khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà. Ảnh LỮ HỒ. |
“Việc này khi họp tôi đã nói với nhiều anh em rồi. Trong nội bộ đã góp ý, đề nghị cái nào sai thì xóa quyết định, cái nào còn chấp nhận được thì chỉnh lại, ra quyết định mới nhưng mấy anh em vẫn chủ quan. Cán bộ, nhân dân đều rất bức xúc vì tất cả những mảnh ‘đất vàng’ đều đội nón ra đi, nhưng giá cả thì không thống nhất. Nhiều khu đất không thực hiện đúng việc đấu thầu, đấu giá theo quy định pháp luật”, ông Chi nói.
Theo ông Phạm Văn Chi, việc quan trọng hiện nay của tỉnh Khánh Hoà là phải cố gắng khắc phục, thu hồi những thất thoát ngân sách Nhà nước trong việc giao “đất vàng” không qua đấu giá trên địa bàn tỉnh.
“Nếu giao đất giá rẻ thì phải xem xét đất giá bao nhiêu, nhà đầu tư phải bù lại hoặc bằng phương pháp nào đó phù hợp với quy định pháp luật. Theo kinh nghiệm của tôi, việc khắc phục hậu quả không thể dưới 10 năm. Lý do vì công tác thu hồi, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn để thỏa mãn quyền lợi giữa nhà đầu tư với Nhà nước. Hai bên phải sòng phẳng với nhau, không thể bắt nạt nhà đầu tư và cũng không thể để Nhà nước thiệt hại”, ông Chi nói.
"Cán bộ, nhân dân đều rất bức xúc vì tất cả những mảnh ‘đất vàng’ đều đội nón ra đi, nhưng giá cả thì không thống nhất. Nhiều khu đất không thực hiện đúng việc đấu thầu, đấu giá theo quy định pháp luật”, ông Chi cho hay.
Còn kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hoà) cho rằng, TP. Nha Trang phát triển được như bây giờ cũng là công của các lãnh đạo tỉnh, trong đó có ông Thắng và ông Vinh.
Nhà cửa, đường phố Nha Trang ngày càng khang trang, người dân cũng cảm nhận được sự đổi mới của thành phố những năm gần đây.
“Tôi cho rằng sai lầm lớn nhất của hai cựu chủ tịch tỉnh này là quá tự đắc trong việc thực hiện quy hoạch của TP. Nha Trang mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định 1396/2012. Các vị lãnh đạo này thực hiện mọi việc mà chỉ dựa vào ý chí chủ quan của mình, không căn cứ theo pháp luật, không có cơ sở pháp lý và không chú ý kiến của dư luận xã hội để khống chế hành vi, thực hiện đúng quy hoạch đó”, ông Lộc nói.
Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, gần đây những nhà lãnh đạo mới của tỉnh Khánh Hoà cũng đã có sự chuyển biến mới trong suy nghĩ lãnh đạo của mình, thận trọng hơn trong quyết định thực hiện quy hoạch của TP. Nha Trang. “Tôi cảm thấy mừng và tôi mong họ sẽ luôn phát huy những hướng tích cực như vậy, tiếp thu được ý kiến của mọi người và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, tôi nghĩ có thể sẽ khắc phục được những hậu quả, thiếu sót và mang tới kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Lộc đặt kỳ vọng.
|
TP. Nha Trang có sự phát triển nhưng quy hoạch đang bị phá vỡ. Ảnh LỮ HỒ. |
Trong khi đó, khi hay tin nhiều lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà bị bắt, ông Nguyễn Văn Hùng (70 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Người dân chúng tôi nghĩ rằng việc bắt ông Thắng, ông Vinh và nhiều vị khác đáng lẽ phải làm lâu rồi, chứ họ sai phạm rành rành ai cũng biết và Trung ương cũng đã có kết luận rồi. Bây giờ công an mới mới bắt là hơi muộn, nhưng thà bắt còn hơn không”, ông Hùng nói.
Qua ghi nhận ý kiến của những người biết việc và nhân dân cho thấy hai vị cựu chủ tịch của Khánh Hòa vừa bị khởi tố đều có "công - tội", tuy nhiên đây vẫn chỉ là quan điểm cá nhân. Còn công - tội của họ sẽ được cơ quan tố tụng, tòa án xem xét khi lượng hình.