Trong khi người tiêu dùng Việt Nam đang phải uống sữa với giá đắt nhất nhì thế giới thì cuộc sống của những người nông dân nuôi bò sữa lại gặp rất nhiều khó khăn. Sữa tươi trong nước vẫn bị cho là thiếu, mỗi năm phải nhập hơn 1 tỷ USD sữa bột thì tại tỉnh Lâm Đồng, người nông dân đã phải đổ sữa ra đường và mới đây, tại huyện Ba Vì (TP Hà Nội), hàng trăm hộ nông dân nuôi bò sữa cay đắng bán đi hàng trăm con bò sữa với giá bằng bò thịt do... giá thu mua sữa rẻ mạt, một lít sữa tươi chỉ ngang ngửa một lít nước lọc đóng chai.
Không chỉ gặp khó vì giá thu mua sữa rẻ mạt từ Công ty CP Sữa Quốc tế IDP...
Báo cáo của UBND huyện Ba Vì cho thấy, trong năm 2016, do ảnh hưởng của giá thu mua sữa sụt giảm, nên tính đến tháng 11/2016, tổng đàn bò sữa toàn huyện chỉ còn 7.630 con - giảm 1677 con so với tháng 6/2015 là 9.300 con tại 20 xã chăn nuôi bò sữa, tập trung chủ yếu ở 3 xã Vân Hòa, Yên Bài và Tản Lĩnh. Trong đó, chủ yếu bò sữa được chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình với 1600 hộ chăn nuôi bò sữa, bình quân mỗi hộ nuôi 5-6 con, một số hộ có quy mô từ 20-30 con. Chăn nuôi bò sữa những năm qua đã trở thành nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.
Trên địa bàn huyện Ba Vì có 2 công ty thu mua, tiêu thụ sữa chính là Công ty CP Sữa Quốc tế IDP, chiếm 80% sản lượng sữa toàn huyện, với công suất 48 triệu lít/năm và Công ty CP sữa Ba Vì, chiếm 10-12% với công suất 18 triệu lít/năm. Giá thu mua hiện nay trung bình từ 9.500-10.000 đồng/kg.
|
Giống như nhiều hộ chăn nuôi bò sữa, hộ nhà anh Năng cũng gặp nhiều khó khăn khi giá sữa thu mua rẻ mạt. Ảnh Hải Ninh. |
Nhằm làm rõ lý do tại sao người dân đua nhau bán bò sữa thời gian gần đây, PV Kiến Thức đã về xã Vân Hòa, nơi nuôi nhiều bò sữa nhất nhì huyện Ba Vì và đã chứng kiến cảnh người dân đua nhau bàn chuyện giá bán bò sữa thay vì giá bán sữa và thuê thợ về xây dựng chuồng lợn, gà để chuyển đổi mô hình chăn nuôi thay vì bò sữa như trước đây.
Đa số người dân cho biết, các hộ chăn nuôi bò sữa ở đây đều ký hợp đồng tiêu thụ sữa với Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP và mức giá sàn (thấp nhất) là 10.200 đồng/kg sữa. Thế nhưng, khoảng hơn 1 năm nay, công ty thu mua cao lắm thì được 9.500 đồng/kg.
Đầu tư số vốn hàng trăm triệu đồng để nuôi bò sữa, hộ gia đình anh Năng ở thôn Mổ Đồi (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) nuôi gần chục con bò sữa. Theo anh Năng, do giá thu mua sữa giảm, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn.
"Thời điểm năm 2008, giá sữa thu mua là 13000/lít sữa và giá cám chỉ có khoảng 200.000đ/bao. Bây giờ giá cám tăng 280.000đ/bao nhưng giá sữa chỉ còn 9.000 đến 10.000/lít. Trong khi sản lượng sữa chỉ có khoảng 15 lít/con/ngày khiến người nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn", anh Năng cho hay.
Anh Năng cho biết thêm: Từ ngày Công ty IDP mua sữa, nông dân bán sữa phải trải qua nhiều rào cản về chất lượng, chỉ cần tiêu chí nào đó chưa đạt thì giá sữa sẽ giảm với lý do trong sữa có chất kháng sinh và muôn vàn các tiêu chí khác. Bên cạnh đó, các hộ nuôi bò sữa mang sữa đến đại lý thu mua của Công ty Sữa Quốc tế IDP, các đại lý này lấy mẫu đưa về nhà máy kiểm nghiệm, sau đó thông báo và trả tiền cho người dân theo chất lượng sữa. Do không đủ trình độ để nhận biết sữa có đảm bảo chất lượng hay không nên người dân thường thiệt thòi?!.
... Mà còn phải "nhẫn nhịn" mua cám nuôi bò sữa giá cao ở đại lý/ trạm thu mua sữa của Công ty CP Sữa Quốc tế IDP?
Người dân xã Vân Hòa cũng phản ánh, người nuôi bò sữa không chỉ gặp khó vì việc thu mua sữa giá thấp, mà còn buộc phải mua cám tại các điểm trạm, đại lý của Công ty CP Sữa Quốc tế IDP với giá cao hơn thị trường, cụ thể: 1 bao cám cho bò 20kg, giá bán ở các đại lý thông thường là 280.000 đồng/bao, thì các trạm thu gom sữa của Công ty IDP bán cho nông dân từ 315.000 đồng - 320.000 đồng/bao, chênh lệch đến 35.000 - 40.000 đồng - là con số không nhỏ đối với bà con nông dân. "Nếu không mua cám ở trạm thu gom sữa thì sẽ khó khăn trong quá trình bán sữa bò tươi cho công ty IDP", một người chăn nuôi bò sữa tiết lộ.
Chia sẻ thêm về nỗi bất lực nuôi bò sữa thời gian này, đa số người dân cho biết: Với mục tiêu nuôi bò sữa để bán sữa, ban đầu họ phải mua một con bò sữa với giá hơn 60 triệu đồng, nhưng giờ buộc phải bán với giá bò thải thịt, chỉ khoảng hơn 20 triệu/con. Biết là lỗ, nhưng thà lỗ còn hơn cứ giữ lại, chi phí nuôi tốn kém, giá thu mua càng rẻ thì lại càng lâm vào cảnh thiếu thốn, thậm chí nợ nần.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với Kiến Thức, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, ông Nguyễn Phi Long thừa nhận, thời gian qua trên địa bàn xã có tình trạng người dân bán tháo đàn bò sữa.
"Vào thời điểm năm 2013 và 2014, số lượng đàn bò sữa tại xã Vân Hòa là 1.800 con, giá sữa khi đó là 13.000đ/lít. Có thời điểm, đàn bò sữa trong xã tăng đến trên 4.000 con. Hiện nay, do giá sàn thu mua sữa chỉ trên dưới 10.000đ/lít. Đợt trước, còn xuống khoảng 9.500đ/lít (trường hợp do chất lượng sữa không đảm bảo nên giá có thấp hơn). Vì thế, có hiện tượng người dân bán 700 con bò sữa. Hiện, toàn xã có khoảng mấy trăm hộ nuôi bò sữa trên tổng hơn 2.000 hộ dân. Tại địa phương khoảng hơn 3.000 con bò", ông Nguyễn Long Phi cho biết.
Ông Nguyễn Duy Ước, Phó chủ tịch xã Vân Hòa cũng cho biết: "Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, thị trường sữa biến động, bà con cũng nhận được thông tin giá sữa giảm từ 12.000đ/lít xuống 11.000đ/lít và xuống tiếp còn 10.000đ/lít. Lúc đầu, bà con chăn nuôi tự phát thấy gia đình này làm có lợi nhuận, thì theo nhau làm. Hiện nay, Công ty sữa quốc tế IDP thu mua giá sữa của bà con không tương xứng so với các công ty sữa đang thu mua bên Vĩnh phúc, như Công ty Vinamik và Cô giái Hà Lan, cụ thể, giá sữa vẫn từ 11000đ/lít đến 13000đ/lít".
Cũng theo ông Nguyễn Duy Ước, ở Ba Vì hiện nay, giá thu mua sữa của Công ty IDP chỉ 10.000 đồng/lít. Trừ phí vệ sinh, chất lượng họ kiểm định giá tính theo mặt bằng chung, thì người nông dân nuôi bò sữa chỉ thu được khoảng 9.700đ/lít. Không dừng ở đó, do chất lượng sữa, có nhà chỉ được 7.000đ đến 8.000đ/lít. Với giá sữa như hiện tại, nhiều nhà chăn nuôi bò sữa không có lãi".
Như vậy, vấn đề đang được dư luận quan tâm là: Việc người dân nuôi bò sữa ở Ba Vì phản ánh tình trạng thu mua sữa giá rẻ mạt của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP là có đúng sự thật hay không? Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP trả lời thế nào về vấn đề này? Quy trình thu mua và kiểm định sữa bán của các hộ dân của Công ty IDP đang diễn ra thế nào? Có cần một sự minh bạch trong việc kiểm định chất lượng sữa thu mua giữa công ty và người nuôi bò sữa bán sữa hay không? Giải pháp cứu đàn bò sữa của nông dân từ Chính quyền địa phương và các cấp thế nào? Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.