Sự việc thu hút sự chú ý của dư luận khi một tài khoản liên tục phát đoạn clip livestream trong đó ghi lại hình ảnh rất đông công nhân tập trung với nhiều băng rôn có nội dung như "Đề nghị không cho người Trung Quốc sang làm việc", "Không đuổi việc công nhân vô lý", "Đảm bảo an toàn lao động cho công nhân"...
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng khi sự việc diễn ra ở thời điểm diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khỏe các chuyên gia Trung Quốc sang công ty làm việc thì không đáng quan ngại. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, hành động của các công nhân là sự lo lắng thái quá.
|
Hình ảnh hàng trăm công nhân tập trung trước cổng công ty JY. |
Liên quan sự việc trên, sáng 17/2, trao đổi với PV Kiến Thức, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Sở đã nắm bắt được thông tin về việc nhiều công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam tập trung trước khu vực để phản đối việc công ty đưa một số chuyên gia Trung Quốc sang làm việc.
"Thời điểm này, các chuyên gia Trung Quốc chưa sang công ty này mà mới chỉ là thông báo trước. Dự kiến đến tháng 3/2020 tới sẽ có 5 chuyên gia người Trung Quốc sang", ông Tiến nói và cho biết, việc các công nhân tập trung là do sự giải thích không rõ ràng và các thông tin nhiều chiều khác nhau nên các công nhân viết đơn và tập trung kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, ông Nguyễn Văn Điểu cho biết, sáng cùng ngày ông dẫn đầu đoàn của huyện xuống công ty để nắm bắt sự việc.
"Qua thông tin nắm bắt, sự việc bắt nguồn từ một công nhân ý thức kém, vi phạm nội quy công ty nên công ty này cho người này này nghỉ. Sau đó, công nhân này vận động một số người khác tập trung trước khu vực công ty", ông Điểu cho hay.
Nói về việc các công nhân tập trung và yêu cầu một số vấn đề trong đó có việc các chuyên gia người Trung Quốc sang công ty làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam và huyện Thanh Liêm chưa có trường hợp nào bị dương tính với virus Corona.
"Sáng nay tôi cũng yêu cầu các chuyên viên y tế nói về dịch bệnh và yêu cầu công nhân giải tán. Nội dung công nhân phản ánh thực phẩm bẩn khi một công nhân quay được clip con dòi trong thức ăn, huyện cũng đề nghị công ty cho công đoàn tự chọn người lên kiểm tra thức ăn và một mâm để lại để kiểm định. Ngoài ra các công nhân cũng yêu cầu cung cấp khẩu trang phòng dịch bệnh, huyện đã yêu cầu và công ty đã đồng ý trang bị khẩu trang cho công nhân. Trước mắt là cấp cho mỗi công nhân 1 chiếc vì lượng công nhân hơn 4.000 người nên cấp đợt 1 sau này tính tiếp hoặc có thể mua khẩu trang vải, hướng dẫn cho công nhân giặt hàng ngày", ông Điểu cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Truy tìm người mang covid-19 (virus Corona) tới 5 nước:
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết, Công ty JY Hà Nam của Hàn Quốc nhưng có một số công nhân và chuyên gia là người Trung Quốc.
"Sau khi giải thích một số công nhân đã ra về nhưng nhiều công nhân vẫn tập trung ở cổng công ty để yêu cầu công ty cho công nhân bị đuổi quay lại làm việc nhưng giám đốc công ty lại không có mặt tại công ty vào sáng nay. Chiều nay, huyện tiếp tục xuống công ty để giải quyết", ông Nguyễn Văn Điểu cho hay.
Đại diện UBND huyện Thanh Liêm cho hay, không phải các công nhân đình công mà là tập trung để đề nghị làm rõ việc có người Trung Quốc trong công ty bởi hiện nay họ đang trong thời gian được nghỉ. Đồng thời cho biết, hiện UBND huyện Thanh Liêm đã có văn bản chỉ đạo rà soát toàn bộ các doanh nghiệp có lao động có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, để từ đó chủ động nắm bắt tình hình, nhất là trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, ở huyện Thanh Liêm có hai trường hợp xét nghiệm đều âm tính với Covid-19. Trong 2 trường hợp này, 1 trường hợp là công nhân làm ở một công ty trên địa bàn xã Thanh Nguyên, Thanh Liêm. Công ty này có người Trung Quốc làm việc nên khi một công nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp đã được báo cáo ngành chức năng và được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả âm tính với Covid-19. Trường hợp thứ hai là một người dân ở xã Thanh Nghị, có dự đám cưới ở vùng tâm dịch Bình Xuyên, Vĩnh Phúc về. Qua lấy mẫu gửi đi xét nghiệm trường hợp này cũng cho kết quả âm tính với Covid-19.
Liên quan sự việc trên, một số ý kiến cho rằng, các công nhân không cần quá lo ngại dẫn đến việc từ phòng dịch bệnh thành vấn đề kỳ thị người Trung Quốc. Theo ông Dr Carmen Dole - Trưởng ban Thư ký về những quy định Quốc tế - WHO cho biết, virus Corona bắt nguồn từ một tỉnh thành của Trung Quốc và hiện chính quyền nước này đang thực hiện những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ thế giới khỏi sự lan truyền của virus. Điều đó đồng nghĩa với việc những tỉnh khác của Trung Quốc không có nguy cơ cao. Không nên phân biệt hoặc kỳ thị những người đến từ 1 quốc gia chỉ vì quốc gia đó có 1 tỉnh đang có 1 dịch lớn.
Hơn nữa hiện nay, theo quy định, từ ngày 3/2, tất cả những người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam đều phải tuân thủ các bước kiểm tra dịch tễ và cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày nhằm đảm bảo dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corena không xâm nhập vào nước ta. Do vậy, các công nhân không cần quá quan ngại về việc các chuyên gia Trung Quốc sang công ty làm việc, bởi trước đó họ đã phải trải qua quy trình kiểm tra dịch tễ, cách ly theo dõi nghiêm ngặt từ các cơ quan chức năng.