Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm sáng 4/6, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) ghi nhận chiến công của công an khi bắt lượng ma túy lớn nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của lực lượng trên địa bàn khi để ma túy đóng trên địa bàn. Bộ trưởng có giải pháp gì xử lý trách nhiệm của lực lượng đó.
Đại biểu Nhưỡng đặt câu hỏi, có hay không sự bảo kê, bao che của cán bộ công an thoái hóa biến chất và đề nghị Bộ trưởng làm rõ.
Trả lời về trách nhiệm của lực lượng công an địa phương trong việc để xảy ra các vụ án ma túy lớn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết lực lượng công an có trách nhiệm nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự.
|
Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm cho biết, có các chiến sĩ không chịu được áp lực, mất phẩm chất, có những hành động, có quan hệ với nhóm tội phạm, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động, hợp tác với các đối tượng vi phạm. |
“Trong trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị về bảo đảm an toàn trật tự xã hội thì lực lượng công an chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề an ninh, trật tự. Trong lực lượng công an thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nêu gương, chịu trách nhiệm xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, thời gian qua, Bộ đã xử lý vấn đề như với Giám đốc Công an tỉnh phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không hoàn thành sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Đối với người đứng đầu công an thành phố, huyện, quận, xã, phường cũng như vậy.
Về việc có hay không sự bảo kê của cán bộ, chiến sĩ công an đối với các loại tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hành động bảo kê tội phạm, thì như tôi đã nói, tội phạm có diễn biến phức tạp. Đối với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an, chúng không từ một thủ đoạn nào, tấn công vô hiệu hóa công an.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, từ các thủ đoạn đơn giản nhất là qua các mối quan hệ, mua chuộc, dụ dỗ, và nếu không được sẽ dùng vũ lực tấn công các lực lượng, trong đó có lực lượng công an, chiến sỹ công an và cả gia đình, vợ con, những người thân cũng chịu áp lực đó.
“Đe dọa bằng vũ lực không được thì chúng xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín rất nhiều cán bộ, chiến sỹ. Trong đó, có các đồng chí không chịu được áp lực, mất phẩm chất, có những hành động, có quan hệ với nhóm tội phạm, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động, hợp tác với các đối tượng vi phạm”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, những hành vi này, chủ trương của Nhà nước, trong đó có Bộ Công an là kiên quyết loại bỏ những cán bộ đó, những người không chịu nổi áp lực từ tội phạm tấn công, lôi kéo, mua chuộc, nhưng cũng bảo vệ những trường hợp bị vu khống, nói xấu.
“Đồng thời xử lý rất nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử lý hành chính đến hình sự. Cán bộ phòng chống tội phạm mà vi phạm pháp luật thì dứt khoát phải xử lý. Vừa qua đã xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Đây là sự xử lý kiên quyết, quyết liệt của lực lượng công an để khôi phục lòng tin của cán bộ, nhân dân vào quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.