Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết hợp trực tuyến đến 21.000 điểm cầu với hơn 1,5 triệu người tham dự.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo chuyên đề về sửa đổi Hiến pháp 2013 và pháp luật, phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 tại hội nghị.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”
|
Sửa đổi 2 nội dung lớn trong Hiến pháp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung chính gồm: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội.
“Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến Nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp (từ ngày 6/5 đến ngày 5/6)”, ông Mẫn báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng với Mặt trận Tổ quốc tiến hành khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch.
Báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ sửa những nội dung liên quan trong các Luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật về tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính…liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, quyền, lợi ích cơ bản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thẩm quyền của địa phương và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quy hoạch.
Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rành mạch thẩm quyền giữa trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật (chưa kể các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ xem xét, quyết định trong thời gian diễn ra Kỳ họp). Chủ tịch Quốc hội nhấn manh, đây là một khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội thông tin, việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/9/2025.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 9 khai mạc 5/5/2025, bế mạc 30/6/2025. Từ ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 44 kéo dài trong 2 tuần để xem xét, cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Ngày 15/4, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết số 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (giảm 60% đến 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước) và thống nhất về nội dung trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Dự kiến Quốc hội khóa mới có 500 đại biểu, 30% tái cử
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội nêu dự kiến sẽ bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước, nhằm tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến số lượng là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%.
Định hướng chung về cơ cấu: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; Đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội. Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu): Cơ cấu đại biểu chuyên trách ở Hội đồng nhân dự kiến là 1 Phó Chủ tịch và 2 Phó trưởng Ban. Định hướng chung về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp: Đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10% ở từng cấp. Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.
Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật. Tính đến tháng 3/2026 phải đủ tuổi trọn 1 nhiệm kỳ, Nam: tháng 3/1969, Nữ: tháng 9/1972 trở lại đây. Tái cử phải còn ít nhất 36 tháng, Nam: tháng 3/1967, Nữ: tháng 5/1971 trở lại đây (ĐBQH chuyên trách là Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội tháng 3/1969) trở lại đây.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đặc biệt quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua là phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.