“Từ ngày 20-9, có 9/9 huyện, TP là vùng xanh; 155/157 xã, phường, thị trấn đạt mức bình thường mới. Dịch COVID-19 ở Bến Tre được kiểm soát chặt chẽ, chuyển biến khả quan, địa phương đang bảo vệ và giữ vững vùng xanh, bảo vệ thành quả trong công tác phòng chống dịch, mở cửa đi vào trạng thái hoạt động bình thường mới, tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết như trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam.
Duy trì các chốt kiểm soát cửa ngõ để bảo vệ vùng xanh
. Phóng viên: Thưa ông, với nỗ lực trong việc phòng chống dịch, đến nay 9/9 huyện, TP trong tỉnh đều là vùng xanh, vậy tỉnh có phương án bảo vệ vùng xanh như thế nào?
+ Ông Trần Ngọc Tam: Bảo vệ vùng xanh là vấn đề mà tỉnh rất quan tâm và tỉnh đã xây dựng, bảo vệ, giữ vững thành quả này. Bến Tre đặt ra ba việc trọng tâm: Một là bảo vệ, giữ vững vùng xanh; hai là tập trung tiêm vaccine; ba là tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bến Tre vẫn duy trì các chốt kiểm soát ở các khu vực cửa ngõ của tỉnh, kể cả đường bộ, đường sông, đường biển, kiểm soát chặt chẽ người ngoài tỉnh di chuyển vào địa bàn, không để F0 xâm nhập từ bên ngoài vào. Riêng người ngoài tỉnh khi vào địa bàn phải đảm bảo các điều kiện xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ theo quy định.
Thời gian tới, Bến Tre vẫn tập trung quyết liệt các biện pháp để giữ vững vùng xanh; tiếp tục tầm soát xét nghiệm làm sao vừa tiết kiệm vừa đạt hiệu quả cao nhất và củng cố tuyến y tế cơ sở luôn sẵn sàng trong mọi tình huống xảy ra.
. Toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 19, đã xanh hóa, vậy việc đi lại của người dân trong tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
+ Nhìn chung tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã họp để đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Trên cơ sở đánh giá, Ban Chỉ đạo tỉnh quyết định chuyển từ Chỉ thị 15 sang áp dụng Chỉ thị 19. Trên toàn địa bàn tỉnh, trừ các khu vực phong tỏa, đồng thời có bổ sung biện pháp tăng cường phù hợp tình hình phòng chống dịch của tình và áp dụng từ 0 giờ ngày 27-9 đến khi có thông báo mới. Khung giờ hạn chế người dân ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.
Về đi lại, người dân và phương tiện giao thông đăng ký trên địa bàn tỉnh được đi lại trong tỉnh, đảm bảo 5K và dừng đỗ theo hướng dẫn của địa phương.
Các tuyến xe buýt nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng lượng người giảm 50% trên từng chuyến; tỉnh tiếp tục dừng các xe khách liên tỉnh.
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại cầu Rạch Miễu. Ảnh: ĐH
Lên kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, đón dân về quê
. Đã cơ bản mở cửa trở lại, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?
+ Đối với hoạt động sản xuất tại các DN, hiện nay Bến Tre có khoảng 20% DN đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, sau khi nới lỏng giãn cách, các DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại và thực hiện đa dạng theo ba phương án như “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” hoặc “hai tại chỗ”, tùy theo điều kiện của từng DN mà DN chọn một trong ba phương án trên để đảm bảo hoạt động an toàn cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh chú trọng triển khai công tác tiêm vaccine cho người lao động trong các DN, các cơ sở sản xuất để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch khi DN mở cửa hoạt động trở lại.
Tỉnh có kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh và kế hoạch này thực hiện theo nhiều giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì kế hoạch sẽ tiếp tục thực hiện đến năm 2022. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm phát động phong trào thi đua phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nông dân.
. Một vấn đề thời gian qua người dân rất quan tâm là sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh có kế hoạch đón người dân của tỉnh đang ở các địa phương khác có nhu cầu về quê được trở về không, thưa ông?
+ Thời gian gần đây, khi các tỉnh bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15, có nhiều trường hợp người dân từ TP.HCM và các tỉnh khác tự phát đi về quê bằng xe máy, phương tiện cá nhân, khi về đến chốt cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đã được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa bà con về cách ly tập trung. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, người dân sẽ được về nhà và tiếp tục cách ly tại nhà.
Việc người dân tự phát về quê tỉnh không khuyến khích, sắp tới tỉnh sẽ có kế hoạch phối hợp với TP.HCM tổ chức nhiều đợt đón công dân về quê, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, những người bệnh nền sẽ rước về một vài đợt nữa. Do nhu cầu của bà con rất nhiều nên sẽ tiếp tục đón bà con về và tỉnh đang xây dựng kế hoạch để phối hợp với TP.HCM về việc này.
. Xin cám ơn ông.
Bến Tre sẽ sẵn sàng giúp các tỉnh và TP.HCM chống dịch
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã nêu cao những nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống dịch của tỉnh Bến Tre.
Phó Thủ tướng đánh giá Bến Tre là một trong những tỉnh, thành khu vực ĐBSCL làm rất tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bến Tre nhanh chóng có biện pháp thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế. Sau khi xây dựng, ổn định vùng xanh, tỉnh Bến Tre sẽ trở thành hậu cứ, sẵn sàng giúp các tỉnh trong khu vực và TP.HCM chống dịch.