Chồng Phi Thanh Vân “rút súng” giữa đường: Xử thế nào là đúng luật?

Google News

Theo nhiều luật sư, xử lý hành chính chồng Phi Thanh Vân (Nguyễn Bảo Duy) về hành vi "rút súng chĩa vào người đi đường" là có căn cứ.

Qua thông tin báo chí, trưa ngày 27/1, Nguyễn Bảo Duy lái xe ô tô đi trước một ngã tư của TP.Phan Thiết, nơi có tín hiệu đèn giao thông. Phía trước xe của Duy là chiếc ô tô mang biển số 86A-032.12 do anh Đỗ Trọng Hòa (26 tuổi, trú La Gi, Bình Thuận) điều khiển. Sau khi có tín hiệu giao thông cho phép chạy nhưng xe của anh Đỗ Trọng Hòa bị hỏng máy nên cứ nhích một tí lại chết máy, khiến xe của Duy không chạy lên trước được. Lập tức, Duy cầm khẩu súng ngắn chĩa vào mặt anh Đỗ Trọng Hòa đòi bắn vì cho rằng anh Hòa trêu ngươi Duy. Qua kiểm tra, Công an P.Phú Thủy phát hiện khẩu súng mà Duy dùng là súng hơi cay và Duy không có giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Hiện trường thu giữ súng hơi cay của Nguyễn Bảo Duy (Ảnh Vietnamnet.vn) 

Trao đổi với Infonet, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng: “Theo thông tin ở trên thì hành vi của Nguyễn Bảo Duy là vi phạm pháp luật, cụ thể như sau: Khoản 9, Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh quy định: “Công cụ hỗ trợ gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này…”.

Như vậy, súng hơi cay mà Nguyễn Bảo Duy, chồng Phi Thanh Vân sử dụng nằm trong danh mục công cụ hỗ trợ chịu sự quản lý của Nhà nước. Căn cứ vào Điều 19, Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/04/2012 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ gồm, Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; An ninh hàng không; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, đơn vị hải quan cửa khẩu, Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;  Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, Trường, Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động. h) Cơ quan thi hành án dân sự; Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, lực lượng kiểm ngư, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Súng hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ được nhà nước và các cơ quan chức năng quy định việc sử dụng và quản lý rất nghiêm ngặt. Công dân không được phép tàng trữ, sử dụng, mượn, thuê, mua, bán… loại công cụ này dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào. Anh Duy không phải là đối tượng được phép sử dụng súng hơi cay, vì vậy việc sử dụng súng hơi cay của anh này khi không được cấp phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 36 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 quy định như sau: “Trường hợp có căn cứ để cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, khi sử dụng súng hơi cay mà bị phát hiện thì sẽ bị thu giữ vũ khí, tạm giữ người, bị xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường nếu trong quá trình sử dụng gây thiệt hại. Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định  đối với một trong những hành vi sau đây:

Nếu sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả : sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 10 của Nghị định này.

Trước những băn khoăn có hay không dấu hiệu của hành vi đe dọa giết người theo điều 103 Bộ luật Hình sự hiện hành. Điều 103, Bộ luật hình sự quy định về tội đe dọa giết người như sau: “Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Luật sư Cường lý giải, để xử lý hình sự đối với hành vi này phải có căn cứ là hành vi của người đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Theo diễn biến của vụ việc nêu trên thì sau khi chĩa súng đe dọa Hòa thì Duy đã bỏ đi, còn Hòa thì báo công an về sự việc. Sau đó, Duy không có hành vi nào khác đe dọa, uy hiếp sẽ bắn Hòa nên chỉ có hành vi nêu trên thì chưa đến mức bị xử lý về tội đe dọa giết người.

“Thông thường xử lý vào tội danh này là đối tượng gây án có nhiều hành vi đe dọa, sự việc đe dọa kéo dài trong một khoảng thời gian khiến nạn nhân lo sợ bị giết hại nên đã báo công an, nếu công an không kịp thời ngăn chặn thì hành vi đe dọa vẫn tái diễn và có thể có những diễn biến xấu… Vì vậy, hành vi đe dọa giết người ở mức độ như trên chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP’- Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) cũng cho rằng sự việc kể trên chỉ có thể xử lý hành chính.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng lý giải: “Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện”.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng đề nghị cần có chế tài mạnh hơn với những hành vi như thế này để làm giảm đi những hành vi côn đồ, gây mất trật tự xã hội như thế.
Theo Infonet

Bình luận(0)