Cái bẫy giăng sẵn của chiêu 'việc nhẹ lương cao' ở nước ngoài

Google News

Thời gian qua, nổi lên tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép, bị lừa đảo lao động cưỡng bức tại một số nước Đông Nam Á. Các đường dây lừa đảo thường đăng tải thông tin kết bạn trên Facebook, Wechat, Viber...

Để đưa được các công dân Việt Nam bị lừa ra nước ngoài lao động trái phép về nước, những cán bộ bảo hộ công dân phải xử lý khối lượng lớn công việc, trình tự, thủ tục phức tạp từ giải cứu, đến xác minh, hỗ trợ, thu xếp cho công dân về nước.

Phóng viên VietNamNet phỏng vấn ông Hồ Anh Vũ - Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) về vấn đề này.

Cảnh giác với cạm bẫy

Tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép, bị lừa đảo lao động cưỡng bức thời gian qua diễn ra thế nào, thưa ông?

Tôi nhớ vào lúc 00h25 phút sáng 30/5/2023, khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón những chuyến bay quốc tế đến cuối cùng trong đêm thì các cán bộ chuyên trách của Bộ Ngoại giao và cơ quan chức năng cũng đã có mặt để hỗ trợ, đón nhóm 60 công dân Việt Nam đầu tiên về nước sau khi được giải cứu khỏi một sòng bạc gần thủ đô Manila, Philippines.

Cai bay giang san cua chieu 'viec nhe luong cao' o nuoc ngoai

Nhóm đầu tiên gồm 60 người Việt được giải cứu ở Philippines đã về nước. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trước đó vào ngày 4/5, cảnh sát Philippines đã đột kích và giải cứu 437 công dân Việt Nam, phần lớn là thanh niên, được xác định nhập cảnh Philippines không lâu và bị ép buộc làm việc trong các điều kiện ngặt nghèo, bị hạn chế tiếp xúc, cưỡng ép, thậm chí bị đánh đập.

Thời gian qua, nổi lên tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép, bị lừa đảo lao động cưỡng bức tại một số nước Đông Nam Á. Thủ đoạn phổ biến của các đường dây lừa đảo là thường là đăng tải thông tin kết bạn trên mạng xã hội, ứng dụng điện thoại phổ biến như Facebook, Wechat, Viber... Chúng lôi kéo, “tuyển dụng” lao động với mức lương hứa hẹn khoảng 800-2.000 USD/tháng, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp...

Mắc cạm bẫy này, ngày càng nhiều công dân Việt Nam xuất cảnh đi làm việc trong các cơ sở đánh bạc/trò chơi trực tuyến tại Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines… Sang đến nơi, người lao động mới nhận ra thực tế không như mong đợi. Họ bị giam giữ, ép buộc làm việc, chủ yếu là lừa đảo qua mạng như dụ dỗ người khác tham gia trò chơi trực tuyến, trò chuyện khiêu dâm.

Họ bị mất tự do và buộc phải trả tiền chuộc nếu muốn được thôi việc về nước. Nghiêm trọng hơn, đã có nhiều trường hợp công dân ta bị đưa tới các địa điểm phức tạp về an ninh ở khu vực biên giới hoặc tới một số nước mà Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao.

Việc công dân xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp kéo theo hệ lụy là các tệ nạn và tội phạm buôn bán người, ma túy, mại dâm… Những người lao động này vừa là nạn nhân, lại vừa là tội phạm, tham gia trực tiếp vào việc lừa đảo người khác ở trong nước nạp tiền, tham gia các trò chơi trực tuyến, đánh bạc, trò chuyện khiêu dâm... tạo ra áp lực rất lớn đối với công tác bảo hộ công dân.

Thủ đoạn của tổ chức tội phạm rất tinh vi, người dân dễ bị dụ dỗ

Ông có thể chia sẻ về nỗ lực bảo hộ công dân (những người bị lừa đảo lao động cưỡng bức ở nước ngoài) của cơ quan chức năng Việt Nam?

Tính sơ bộ, trong năm 2022 đã có hàng chục nghìn công dân trở về từ các nước láng giềng. Trước tình hình phức tạp của nạn lừa đảo lao động ra nước ngoài, Bộ Ngoại giao đề ra phương châm “bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”, phối hợp với cơ quan chức năng các nước giải quyết rất nhiều vụ việc.

Như vụ giải cứu hàng trăm người quốc tịch khác nhau, trong đó có người Việt Nam, từ một sòng bài ở Sihanoukville (Campuchia tháng 4/2022), hay vụ việc hàng chục công dân Việt Nam chạy khỏi nơi làm việc cưỡng bức, vượt sông Bình Di (An Giang) được hỗ trợ khi nhập cảnh về nước tháng 8/2022.

Đến năm 2023, sau vụ việc giải cứu 437 công dân Việt Nam từ Philippines nêu trên, Bộ Ngoại giao đang tích cực làm việc với phía Philippines tiến hành các thủ tục lãnh sự, bảo hộ công dân đối với 183 công dân Việt Nam trong số hơn 2.000 người được giải cứu khỏi nơi làm việc cưỡng bức tại khu vực Alabang, Las Pinas.

Ngoài Philippines, các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á cũng đã phối hợp với sở tại giải cứu, đưa về nước hơn 400 lao động từ đầu năm đến nay.

Để ngăn chặn tình trạng di cư trái phép, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân. Một số đường dây tội phạm lừa đảo đưa người ra nước ngoài bị phát hiện, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là các thanh, thiếu niên; thủ đoạn mời chào của các tổ chức tội phạm lại rất tinh vi, khó kiểm soát nên cho đến nay, nhiều người vẫn tiếp tục tin và đi theo những lời hứa hẹn, dụ dỗ.

Gần như hàng ngày, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều nhận được đơn thư cầu cứu từ các gia đình có con em bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc ở nước ngoài.

Giải cứu, đưa lao động về nước rất phức tạp

Trong quá trình bảo hộ công dân, phía cơ quan chức năng gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Hiện nay, với chính sách nhập cảnh cởi mở, công dân ta có thể đi lại giữa các nước ASEAN mà không cần thị thực. Những đường dây tội phạm đã lợi dụng điều này để đưa người ra nước ngoài lao động phi pháp. Tham gia vào các chuyến đi như vậy, công dân sẽ trở thành người cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vì việc miễn thị thực nhập cảnh chỉ có thời hạn ngắn, không áp dụng cho người nhập cảnh với mục đích lao động.

Như vậy họ không thể đăng ký cư trú hay giấy phép lao động hợp pháp, cũng không được các cơ quan chức năng sở tại bảo vệ quyền lợi. Một rủi ro nữa là họ bị các cơ sở làm việc khống chế, thu giữ hộ chiếu, mất tự do, bị trục xuất thậm chí phạt tù khi bị phát hiện.

Ra đi thì dễ nhưng để được giải cứu, đưa về nước khi công dân bị phát hiện là lao động bất hợp pháp hoặc thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc... lại rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi nhiều trình tự, thủ tục.

Thứ nhất, do những người lao động này thường không làm thủ tục đăng ký với cơ quan đại diện ta ở sở tại trước đó, việc nắm bắt tình hình khi có vụ việc phát sinh gặp khó khăn.

Thứ hai, nhiệm vụ tiếp cận, giải cứu công dân bị giam giữ trong các cơ sở làm việc tập trung không dễ dàng.

Thứ ba, trình tự, thủ tục bảo hộ công dân đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng trong nước và sở tại. Cán bộ phải trực tiếp phỏng vấn công dân được giải cứu, rà soát giấy tờ, xác minh nhân thân, lên danh sách.

Trong khi chờ đợi, cơ quan đại diện bố trí chỗ ăn ở tạm thời, vừa giúp đỡ vật chất vừa động viên tinh thần đối với các công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật và tìm nguồn ngân sách đưa người về nước... Một số nước sở tại có cơ chế xử lý phức tạp, thời gian thực hiện bị kéo dài hàng tuần, có khi cả tháng.

Thứ tư là việc thuyết phục các nước không áp dụng chế tài đối với công dân Việt Nam vì vi phạm quy định về cư trú, lao động cũng phức tạp, nhất là khi công dân làm việc cho các sòng bạc, cho dù là bị lừa đảo. Cá biệt, một số người còn có hành vi lừa đảo.

Người dân khi có ý định làm việc ở nước ngoài cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các lời mời chào ra nước ngoài “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại, không đòi hỏi về bằng cấp, ngoại ngữ... trên mạng xã hội, kể cả người quen giới thiệu; tìm hiểu thật kỹ về nơi định đến làm việc; nên tham khảo ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp; cung cấp thông tin cho người thân về nơi dự kiến làm việc, công việc, người cùng đi... trước khi quyết định xuất cảnh.

Thứ hai, người dân nên ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mình đến làm việc và số Tổng đài Bảo hộ công dân, chủ động liên hệ ngay khi có vấn đề phát sinh.

Thứ ba, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, tội phạm mua bán người, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Di cư lao động là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam hiện nay. Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc dưới nhiều hình thức khác nhau như theo hợp đồng, thông qua hợp tác về lao động giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài hoặc người lao động tự liên hệ tìm việc làm ở nước ngoài.

Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng mạnh trở lại từ năm 2022, sau hai năm giảm do dịch Covid-19, đạt hơn 142.000 người vào năm 2022 và hơn 72.000 người trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo Thái An/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)