Biết gì về cầu dàn Bailey chuẩn bị được lắp ở sông Tô Lịch?

Google News

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án chế tạo 3 cầu dàn Bailey dự phòng xử lý sự cố về cầu, tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông. Trong đó có sông Tô Lịch.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án chế tạo 3 cầu dàn Bailey dự phòng xử lý sự cố về cầu, tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Theo Quyết định, Dự án chế tạo các cầu dàn Bailey để dự phòng, có thể triển khai lắp đặt trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông và dự phòng để xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng cầu do thiên tai hoặc cầu yếu trong quá trình khai thác nhằm kịp thời giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn và kết nối thuận tiện khi xảy ra sự cố cầu, hoặc khi phát sinh nhu cầu tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố.
UBND Thành phố giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với mức kinh phí dự kiến gần 15 tỷ đồng, thực hiện năm 2025-2026.
Biet gi ve cau dan Bailey chuan bi duoc lap o song To Lich?
 
Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án trình thẩm định, phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ Dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư Dự án theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung và tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư của các Sở, ngành Thành phố trước khi trình phê duyệt Dự án; sử dụng vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả.
Tìm hiểu của PV, mô hình cầu Bailey đầu tiên được Donald Bailey, một viên chức trong bộ chiến tranh Anh, một người ưa chuộng các mô hình cầu, đệ trình trong những năm thế chiến thứ hai. Nhận thấy những tính năng vượt trội trong mô hình cầu mới, Bộ chiến tranh Anh đã triệu tập tất cả những kỹ sư Hoàng Gia thời đó (bao gồm Robin Foulkes, Darrell Herbert, John de Waele, và Bill Buckle) để nghiên cứu về mô hình cầu mới này trong suốt hai năm 1941 và 1942.
Sau khi thiết kế và thử nghiệm thành công, cầu Baley đầu tiên đã được sử dụng tại Bắc Phi năm 1942. Đến năm 1944, những chiếc cầu Bailey bắt đầu được sử dụng phổ biến. Cùng thời điểm này Mỹ cũng được cấp phép để thiết kế và tự sản xuất cầu Bailey. Cho đến nay, cầu Bailey vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhờ những tính năng ưu việt của nó.
Tại Việt Nam, cầu Bailey được biết đến từ cuộc chiến với Mỹ, khi Mỹ đã đưa các cầu này sang Việt Nam lắp ráp để phục vụ cho các mục tiêu quân sự của mình. Sau chiến tranh, cầu Bailey vẫn được biết đến và sử dụng tại Việt Nam để phục vụ dân sinh vì tính linh hoạt đáp ứng được các điều kiện khó khăn trong thi công do địa hình hiểm trở, đồng thời giảm thiếu chi phí cho những công trình cầu tạm.
Về những đặc trưng của cầu Bailey, có thể kể đến việc tất cả cấu kiện cầu đều được gia công hoàn chỉnh tại nhà máy nên giảm khối lượng công việc tại hiện trường. Để lắp ráp cầu chỉ sử dụng bu-lông và chốt thép.
Ngoài ra, tất cả cấu kiện đều được thiết kế định hình và chuẩn hoá, việc lắp ráp để dàng, nhanh chóng. Cầu tạm Bailey phù hợp với mọi địa hình Việt Nam.
Đặc biệt, số chủng loại cấu kiện để lắp mỗi loại cầu là rất ít nên dể quản lý, mỗi cấu kiện có kích thước và trọng lượng nhỏ phù hợp cho việc vận chuyển và lắp ráp bằng các phương tiện thủ công. Ngoài ra việc thi công móng mố, trụ cho cầu thép tương đối dễ dàng, không đòi hỏi kỹ thuật cao nên dễ huy động nhân lực và phương tiện.
Tính về tiện ích, cầu thép có chiều dài nhịp và độ dốc tương đối lớn, nên đảm bảo các chỉ tiêu thông thuyền, nhất là loại cầu một nhịp có kiểu vồng lắp ngang kênh rạch và các dòng suối sẽ tránh được sự va chạm vào mố trụ của các vật nổi trên sông, suối khi lũ về.
Cầu kiểu dàn có khoản rỗng thành cầu lớn nên giảm tối đa lực cản nước khi lũ làm ngập cả công trình, tránh cầu bị nước cuốn trôi.
Thời gian tháo lắp cầu thép rất nhanh chóng bằng các phương tiện đơn giản nên thuận lợi cho các phương tiện giao thông đường thủy. Khi cần nâng cấp đường, có thể thay đổi loại cầu khác dể dàng mà không phải phá vỡ kết cấu gây lãng phí, tận dụng cầu cũ di dời đến lắp nơi khác có cấp đường thấp hơn.
Xét về góc độ kinh tế, chi phí sử dụng cầu tạm Bailey thấp nhưng chất lượng cao.
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)