Ngày 24/11, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đã đi khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện Dự án, trọng tâm là nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Khảo sát tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nghe các đơn vị báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; đồng thời gặp gỡ, trao đổi với người dân có đất thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn khảo sát thực địa tại huyện Hoài Đức
|
Ứng vốn để giải phóng mặt bằng
Báo cáo tại buổi làm việc ở quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thực hiện dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, Thành phố đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2km.
Riêng đoạn từ quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà vẫn chưa có bản vẽ được xác nhận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc để Ban Quản lý dự án tổ chức triển khai cắm mốc ngoài thực địa. Ban Quản lý dự án cũng đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội điều chỉnh nút giao quốc lộ 6 - Vành đai 4...
Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, Hà Nội đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đã đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các quận, huyện cũng đã cơ bản gửi số liệu giải phóng mặt bằng cho Ban Quản lý dự án để tập hợp và lên phương án tổng thể nhằm thống nhất ký biên bản số liệu với các quận, huyện (dự kiến trình duyệt dự án trước ngày 28/11/2022).
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.
|
Tính đến nay, Hà Nội đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng được 36,3/58,2km tại 7 quận, huyện; dự kiến trước ngày 30/11/2022 sẽ hoàn thành công tác cắm mốc. UBND Thành phố cũng đã triển khai phương án ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch (căn cứ quy định tại Điều 111, Luật Đất đai).
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư... Dự kiến, trong quý IV/2022, Thành phố sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các quận, huyện đều khẳng định đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố; chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; từ trước khi được bố trí vốn tạm ứng, các quận, huyện đã được người dân đồng tình di chuyển hàng trăm ngôi mộ trong phạm vi dự án. Đại diện các bộ, ngành Trung ương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan của Hà Nội triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ Quốc hội giao.
Quyết tâm bảo đảm tiến độ, đến tháng 6/2023 khởi công Dự án
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương đã tạo điều kiện cho thành phố và các tỉnh liên quan triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động vào cuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân 7 quận, huyện có dự án đi qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, song Thành phố đã chủ động đề ra các biện pháp tháo gỡ. Nhờ đó, các phần việc liên quan đến giải phóng mặt bằng đã và đang được triển khai đồng bộ từ Thành phố xuống các địa phương.
Tuy nhiên khối lượng công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội rất lớn, trong đó, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước, như di dời mồ mả, trụ sở cơ quan, trường học, công trình điện... Tiến độ Quốc hội đề ra, cũng như đã ghi rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng |
Đối với một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền cấp tỉnh, ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố nhanh chóng tập hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết, trước hết là vấn đề chỉ giới đường đỏ; chính sách trong di dời mồ mả; cơ chế bố trí vốn cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới nghĩa trang phục vụ dự án...
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo xác định giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm”, phải đi trước. Quá trình triển khai thực hiện, UBND Thành phố phải tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra chính sách phù hợp, cần thiết; nhanh chóng có hướng dẫn bổ sung, thống nhất từ trên xuống dưới, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho các quận, huyện thực hiện việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng ưu tiên trước hết là phần đường Vành đai 4; giải phóng mặt bằng diện tích dự trữ đường sắt hoặc địa điểm chưa rõ ràng cần xem xét cụ thể trên cơ sở đề xuất của tư vấn.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo; các quận, huyện tập trung cao độ trong thời gian từ nay đến trước 23 tháng Chạp (Âm lịch) tuyên truyền, vận động di dời mồ mả nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Quá trình thực hiện, các cơ quan, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần trách nhiệm cao, nhất quyết không được để thiếu kinh phí và địa điểm nghĩa trang.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện vừa thi đua, vừa tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với quyết tâm bảo đảm tiến độ để đến tháng 6/2023 khởi công dự án. Các sở, ngành phải tập trung cao độ phối hợp, giúp đỡ các quận, huyện; đặc biệt phải hoàn thành xác định chỉ giới đường đỏ và cắm mốc trên thực địa.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các địa phương về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
|
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, công trình có ý nghĩa rất quan trọng, đem lại lợi ích to lớn không chỉ đối với các địa phương của Hà Nội, mà còn các tỉnh, thành phố trong vùng.
“Nhiệm vụ tới đây còn rất dài, rất nặng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của các sở, ngành, quận, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội phải sâu sát, quyết liệt từng việc hơn nữa”, ông Dũng nói.
Đươc biết, ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ dẫn đầu đoàn công tác làm việc với hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, điểm đầu tại khoảng Km3+695 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại khoảng Km40+500 đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km. Tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng thực hiện theo 07 dự án thành phần.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP. Hồ Chí Minh